Thị trường hàng hóa
Chiều 28/8, Lễ khánh thành và vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) đã chính thức diễn ra.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được khởi công tháng 7/2018 tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.330MW.
Công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao và sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau 25 năm.
Đây là một trong số rất ít các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn với hiệu suất cao, góp phần làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ than, phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác.
Nhà máy áp dụng chương trình quan trắc môi trường tiêu chuẩn cao, quan trắc phát thải tự động liên tục, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như: Hệ thống khử NOx, SO2, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý nước thải…
Theo dự kiến, khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là kết quả của sự hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Hàn Quốc.
Theo Phó Thủ tướng, đây là dự án công nghiệp trọng điểm lớn thứ 2 sau Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong những “hạt nhân” quan trọng và là động lực thúc đẩy Khu Kinh tế Nghi Sơn phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nghi Sơn trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong những năm tới.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, việc đưa nhà máy vào vận hành còn mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn cho địa phương. Đặc biệt là giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần từng bước cải thiện đời sống của nhân dân địa phương cũng như mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư dự án.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, đưa nhà máy vào sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư trong quá trình vận hành sản xuất, cần tuân thủ đầy đủ quy trình quy phạm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sản xuất, nhất là an toàn cho người công nhân.
Đặc biệt, đối với nhà máy nhiệt điện cần hết sức chú trọng điều kiện làm việc, trang thiết bị lao động, đời sống và sức khỏe của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân cũng như kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, EVN quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình vận hành sản xuất kinh doanh, bảo đảm huy động cao nhất công suất của nhà máy trong việc cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm hiệu quả kinh tế chung của nền kinh tế và nhà đầu tư.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm