Thị trường hàng hóa
Hướng tới tự chủ
Chính phủ đã xác định các mục tiêu cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Những chỉ tiêu này cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Đứng về quy mô, ngành công nghiệp này có 7,5 triệu lao động, tạo ra doanh thu mỗi năm hơn 8 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với hoạt động nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, hay khoáng sản.
Nhìn từ tốc độ phát triển, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng. Năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất: Lãi suất tăng, tỷ giá đồng USD tăng cao dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất tăng cao, giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn hơn, các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn... Mặc dù vậy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực với IIP năm 2023 ước tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi nền kinh tế phải hướng tới tự chủ với nguồn cung trong nước đủ sức chống chịu, thay thế một phần nguồn cung từ bên ngoài. Muốn hình thành được chuỗi cung ứng trong nước, không chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu trong nước, mà còn phải phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông tin; đổi mới công nghệ; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, đổi mới sáng tạo.
Lực đẩy cho công nghiệp chế biến chế tạo
Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên chỉ chiếm gần 20% tỷ trọng trong GDP, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những DNNN lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15-20%).
Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều phân ngành công nghiệp ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử nhập khẩu từ 60% đến 70% nguyên liệu.
Xuất phát từ 3 thực trạng sau đây, thứ nhất, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, các công nghệ rèn, dập, hàn, đúc, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da... là nền tảng cơ bản cho các hoạt động gia công, sản xuất ở trong nước hiện cũng chưa phát triển.
Thứ hai, ở khối doanh nghiệp FDI, thường sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để sản xuất, nhưng chỉ cho tham gia vào các khâu gia công, lắp ráp hay kiểm định, bo mạch và đóng gói xuất khẩu (như Intel, Samsung...).
Thứ ba, công nghiệp chế biến chế tạo là ngành thường có rào cản gia nhập thị trường lớn. Đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài; đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tác động lớn đến môi trường... khiến công nghiệp chế biến, chế tạo kém hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư của xã hội hơn các ngành kinh tế khác.
3 thực trạng trên thường bị “mờ” đi, ít cảm nhận được khi nước ta tiên phong tham gia vào 16 FTAs, có chỗ đứng nhất định trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Song những bất ổn từ bên ngoài thời gian qua cho thấy phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng, bên cạnh việc gắn với chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, phải hình thành được chuỗi cung ứng trong nước.
Vì vậy, việc quy định các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thống kê công nghiệp để hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về công nghiệp, phát triển bền vững trong công nghiệp... là cấp bách và cần thiết.
Đồng thời cần có cơ chế phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, thông qua các dự án đầu tư công, hợp tác công - tư, mua sắm của chính phủ... phù hợp với các cam kết quốc tế.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm