Thị trường hàng hóa
Ghi nhận thêm trong những ngày qua, các công ty sản xuất phân bón lớn ở Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy. Nguyên nhân chính là do giá khí đốt tăng vọt. Trong khi, khí đốt chiếm đến 80-90% trong chi phí sản xuất amoniac.
Dự kiến, thị trường sẽ mất hơn 10% sản lượng amoniac và điều này sẽ gây tác động hơn nữa đến giá phân bón toàn cầu.
Đơn cử, Grupa Azoty - tập đoàn hóa chất của Ba Lan, mới đây thông báo tạm ngừng sản xuất một số loại phân bón, trong đó có phân bón chứa nitơ, do giá khí đốt cao kỷ lục.
Cụ thể, Grupa Azoty cho biết cơ sở sản xuất Grupa Azoty Zaklady Azotowe Pulawy tại thị trấn Pulawy đang cắt giảm 10% sản lượng amoni vì giá khí đốt tăng cao, sau khi ngừng sản xuất melamine hồi đầu tháng 8.
Tập đoàn của Ba Lan là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ hai ở Liên minh châu Âu. Tập đoàn này cũng là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Ba Lan với khoảng 20 gigawatt giờ khí đốt mỗi năm.
Theo ghi nhận, giá khí đốt tại châu Âu ngày 25/8 là 300 euro/mwh (300 USD/mwh), tăng gần 3% so với ngày trước đó và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 561%. Hiện tại, giá khí đốt đang vượt đỉnh ghi nhận hồi tháng 3 sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, cao hơn khoảng 23%. Ngày 26/8, giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đã tăng lên mức 322 euro/MWh. Giá mặt hàng này đã tăng đột biến trong những ngày gần đây do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sang thị trường này bị gián đoạn.
Ở trong nước, giá ure cũng tăng nhẹ trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây. Thị trường trong nước ngày 29/8 ghi nhận giá ure tăng nhẹ 10.000đ/bao. Hiện ure Phú Mỹ đang giao dịch mức 780.000 đến 800.000 đồng/bao; ure Ninh Bình, Đầu Trâu đang giao dịch cùng mức giá 770.000 đến 790.000 đồng/bao.
Trước đó, sau khi lập đỉnh vào tháng 4, giá phân bón đã hạ nhiệt trong ba tháng tiếp theo. Tại ngày 30/06, giá ure giao dịch quanh ngưỡng 515 USD/tấn, giảm 44% từ mức đỉnh tháng 4 và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhận định về thị trường ure trong nước và thế giới trong thời gian tới, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, giá ure có tăng nhẹ trở lại trong thời gian gần đây sau thời điểm “hạ nhiệt” cuối tháng 6. Ở thời điểm cuối tháng 6 này, giá ure thế giới ghi nhận đà hạ nhiệt với nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và chính sách xuất khẩu phân bón của Nga sang một số thị trường mục tiêu. Việc ure tăng giá trong 1-2 tuần trở lại đây cũng chỉ là tăng giá nhẹ, không thể so sánh với hồi lập đỉnh vào tháng 4/2022.
Tuy nhiên, ông Phùng Hà cũng nhận định, hiện đa số sản xuất ure phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt, nhất là từ Nga. Nếu thời gian tới, giá khí đốt vẫn tiếp tục tăng cao và chính sách thắt chặt nguồn cung khí đốt của Nga tiếp tục tái diễn, có thể giá phân bón sẽ tiếp tục tăng. Và mức tăng cũng khó có thể dự đoán vì phụ thuộc vào nguồn cung và giá khí đốt này.
Hiện xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với lệnh trừng phạt của các nước phương Tây lên Nga, là những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn cung khí đốt dần bị thu hẹp, khiến giá khí đốt cao kỷ lục. Những đợt tăng nóng giá khí đốt khiến giá phân bón cũng sẽ điều chỉnh tăng theo, vì khí đốt là nguyên liệu chính để sản xuất phân bón.
Trước tình trạng này, các quốc gia cũng đang cân nhắc đến việc xuất khẩu phân bón, giữ ổn định nguồn cung nội địa. Chính vì thế, hiện các loại phân phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ở Việt Nam, hiện sản lượng nhập khẩu về Việt Nam đang bị sụt giảm. Chẳng hạn như DAP, hiện lượng nhập khẩu ở 6 tháng đầu năm ước tính đều thấp hơn 50% so với năm 2021. Còn đối với kali, lượng nhập khẩu kali trong tháng 6 là khoảng 26.000 tấn, thấp nhất từ tháng 8/2018 đến nay.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm