Thị trường hàng hóa
Theo Công ty Chứng khoán DNSE (DNES), bối cảnh kinh tế vĩ mô có 3 điểm chính cần lưu ý. Đầu tiên là sự kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022, kéo tăng trưởng cả năm 2022 đạt mức 7,1% so với cùng kỳ. Điều này đến từ những hoạt động mở rộng sản xuất diễn ra mạnh mẽ và ngành dịch vụ khởi sắc trở lại khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Tiếp theo, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 tương đối khả quan, sự phục hồi trong nước sẽ là động lực giúp kinh tế Việt Nam vượt qua các thách thức. Hơn nữa, tình hình tỷ giá USD đang cao là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mang đến cơ hội và tính cạnh tranh hơn để phát triển trong 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện tại, lạm phát ở Mỹ liên tục lập đỉnh, đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 2 để đối phó với lạm phát nên chính sách tiền tệ có thể sẽ thắt chặt hơn vào cuối quý IV/2022. Vì vậy, mức tăng lãi suất điều hành vào khoảng 25 - 50 điểm cơ bản là điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp hưởng lợi như ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Trước tình hình đó, nhóm chuyên gia phân tích của DNSE đã đưa ra 3 ngành triển vọng mà nhà đầu tư có thể tham khảo những tháng cuối năm bao gồm hàng không, bảo hiểm và ngành nông nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu). Đối với nhóm hàng không, Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh và hàng không nội địa đã hoạt động trở lại bình thường từ quý I/2022. Lượng khách nội địa thông quan phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2022 với số lượng tăng 183,9% so với cùng kỳ.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đang đứng đầu về mức độ phục hồi trên thế giới với lượng khách nội địa. Nhu cầu du lịch ở quý III/2022 và những tháng cuối năm là cực lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành hàng không có thể kỳ vọng lượng khách nội địa sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, hàng không quốc tế cũng chứng kiến mức độ phục hồi ấn tượng trong nửa đầu 2022. Ngày 15/2/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế. Trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã khởi động lại mạnh mẽ các chương trình quảng bá văn hóa du lịch quốc gia, giúp cho tổng lượng khách về hàng không và du lịch tăng với mức ấn tượng (291% so với cùng kỳ).
Về nhóm cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ, phí bảo hiểm gốc đã phục hồi từ quý IV/2021 sau khi tạo đáy vào quý III/2021 do ảnh hưởng của Covid-19. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát vào quý I/2022, mức độ cạnh tranh của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn đang tiếp tục nóng lên.
Kết quả tăng trưởng phí và lợi nhuận của các công ty bảo hiểm niêm yết trong quý I/2022 cũng tương đối tốt. Đồng thời, tỷ lệ lạm phát tăng cao kéo theo lãi suất tăng, sẽ là điều kiện tăng trưởng lợi nhuận cho các công ty bảo hiểm.
Ngoài hoạt động kinh doanh, một phần lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư. Danh mục của họ tập trung chủ yếu tiền gửi vào trái phiếu (khoảng 90%). Trong điều kiện thị trường chứng khoán gặp nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp thua lỗ do việc nắm giữ cổ phiếu thì các công ty bảo hiểm lại vươn lên vì lợi nhuận ổn định đến từ tiền gửi và trái phiếu.
Nhóm ngành nông nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu lương thực), thực phẩm có đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao. Trong giai đoạn lạm phát cao như nửa cuối năm 2022 thì điều kiện thuận lợi là chi phí đầu vào thường tăng chậm hơn giá đầu ra, do đó biên lợi nhuận sẽ được cải thiện.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo tăng theo giá lương thực thế giới. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế là một quốc gia xuất khẩu gạo top đầu và tỷ giá VND/USD đang ở mức cao. Vì vậy, việc lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình khép kín, kiểm soát và giảm được chi phí trong lúc lạm phát cao như hiện nay sẽ là một sự lựa chọn khá an toàn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm