Thị trường hàng hóa
Tin giả về biến đổi khí hậu - fake news on climate change - khái niệm đã “râm ran” từ lâu và đến Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập, thực trạng này đã bị gióng lên hồi chuông báo động khi các nhà vận động đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị và các tập đoàn công nghệ lớn nỗ lực chống tin giả về khí hậu. Theo các nhà vận động môi trường, tin giả về khí hậu đang là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm, đe dọa đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một nghiên cứu mới về “tin giả về biến đổi khí hậu” cho thấy, những thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu khi được đăng tải trên các trang mạng xã hội đều thu hút số view rất “khủng”.
Chỉ chừng ấy cũng đủ cho thấy sức hút của vấn đề biến đổi khí hậu nói chung và tin giả về biến đổi khí hậu nói riêng. Theo một nghiên cứu khác tại Anh, trong vài thập kỷ trở lại đây, sự quan tâm của người dân Anh về biến đổi khí hậu đã có sự chuyển đổi rất mạnh về “thái cực”, từ “không quan tâm” trở nên “đặc biệt quan tâm”, 80% người được hỏi cho biết khá hoặc rất lo lắng hoặc xem vấn đề biến đổi khí hậu là quan trọng nhất.
Cũng bởi sức hút ấy mà tin giả về biến đổi khí hậu, cũng giống như tin giả, luôn có đất sống, thậm chí ngày càng nở rộ. Báo cáo do cơ quan giám sát Oversight Board và nhóm vận động Stop Funding Heat công bố mới đây cho thấy, phân tích 195 trang, nhóm Facebook và nhận thấy hơn 48.700 bài đăng lan truyền tin giả về khí hậu, thu hút tổng cộng 818.000-1,36 triệu lượt xem/ngày. Dữ liệu cho thấy rằng lượng tương tác với những bài đăng như vậy thông qua nhận xét, lượt thích và chia sẻ tăng 76,7% trong năm 2021.
Twitter cũng cho biết những cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tiêu biểu trong số đó, các chủ đề liên quan đến “các giải pháp bền vững” trên nền tảng Twitter đã tăng hơn 150% kể từ năm 2021. Cụ thể, số lượng các cuộc bàn luận về chủ đề “giảm thiểu chất thải” đã tăng hơn 100%, về “khử carbon” - quá trình loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra cũng tăng khoảng 50%.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là, nhiều chuyên gia cảnh báo, thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu đang “hút”, thậm chí làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người về công cuộc chống biến đổi khí hậu đang được các chính phủ, doanh nghiệp… tiến hành và công cuộc ấy có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu như không có giải pháp hiệu quả.
Đơn cử như một số trang, nhóm có lượng truy cập khủng được đặt tên đại loại: “Biến đổi khí hậu là chuyện tào lao”, hay “Chủ nghĩa hiện thực về khí hậu”… Hay ít nhất 20% trong số những người được khảo sát ở Australia, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ và Mỹ tin vào những tin giả cho rằng tình trạng Trái Đất ấm lên hiện nay là hiện tượng tự nhiên chứ không phải do con người gây ra. Trong khi đó, con người được xác định là thủ phạm gây ra tình trạng ấm lên trên toàn cầu trong các báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ).
Rõ ràng, tin giả đang đào sâu thêm khoảng cách lớn giữa nhận thức của người dân và kết quả khoa học về các vấn đề cơ bản của biến đổi khí hậu như biến đổi khí hậu có tồn tại hay không, có phải do con người gây ra hay không.
Cũng theo nghiên cứu tại Anh, công chúng tiếp nhận thông tin về biến đổi khí hậu thông qua nhiều nguồn: từ người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (6%), mạng xã hội (7%), báo lá cải (13%), chính trị gia (20%), nhà báo (30%), các nhật báo lớn (37%), các kênh truyền thông khác (38%), đối tượng được họ tin tưởng nhất là các học giả (67%). Điều đáng nói là hầu hết rất ít độc giả “kiểm tra chéo” về độ xác thực thông tin mình được tiếp nhận.
Rõ ràng là độc giả đang đối mặt với nguy cơ có thể thường xuyên đối mặt với các thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là quan tâm là một chuyện nhưng bao nhiêu người trong số họ hiểu đúng về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu lại là câu hỏi chưa có câu trả lời. Và để hiểu đúng thì họ có thể tiếp cận được những thông tin đúng đắn, chuẩn xác về biến đổi khí hậu từ nguồn nào? Có hướng dẫn, chỉ đường nào cho họ? Một cuộc khảo sát trên 1.700 độc giả tại Anh cho biết non 50% người không có khả năng xác tín về nguồn thông tin về biến đổi khí hậu, 44% người được hỏi không nhận thức về cách họ sẽ phải hành động như thế nào khi đối mặt với các nguồn tin sai lệch.
Rõ ràng, thực tế này đang ảnh hưởng đến “các nội dung tranh luận quan trọng về biến đổi khí hậu”, đặc biệt tác động nghiêm trọng tới các cuộc đàm phán nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất.
Thực ra, thời gian qua, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… dưới rất nhiều áp lực từ người dùng cũng như các nhà hoạt động môi trường đã phải có những động thái đầu tiên trong hành động chống tin giả về biến đổi khí hậu. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg từng phải lên tiếng thừa nhận “tin giả về khí hậu là một vấn đề lớn” và rằng Facebook “sẽ hành động” đối với các trang, nhóm hoặc tài khoản thường xuyên chia sẻ những tin giả về khoa học khí hậu.
Một số trong những hành động ấy đã được Facebook bước đầu thực thi. Đơn cử như Facebook đã công bố dự án trị giá 1 triệu USD để hỗ trợ công tác xử lý tin giả về khí hậu. Cụ thể, theo Facebook, họ đang hợp tác với một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 80 tổ chức xác minh dữ kiện độc lập chuyên đánh giá và xếp hạng nội dung, gồm cả nội dung về khí hậu, bằng hơn 60 ngôn ngữ. “Khi họ đánh giá nội dung đó là thông tin sai lệch, chúng tôi gắn nhãn cảnh báo và di chuyển nội dung đó xuống thấp hơn để ít người nhìn thấy hơn. Chúng tôi cũng không cho phép quảng cáo xuất hiện trên những thông tin như vậy” - Facebook cho biết. Thêm vào đó, Facebook cũng cho biết họ sẽ “gắn nhãn” thông tin trên một số bài đăng về khí hậu.
Twitter - “đại gia” mạng xã hội khác cũng bắt đầu áp dụng một lệnh cấm mới đối với các quảng cáo “gây hiểu lầm” hay “mâu thuẫn với sự đồng thuận của khoa học về biến đổi khí hậu” và tuyên bố “những tư tưởng phủ nhận biến đổi khí hậu”, xuyên tạc về biến đổi khí hậu có thể sẽ ảnh hưởng đến “các nội dung tranh luận quan trọng về biến đổi khí hậu”, không nên xuất hiện và kiếm tiền trên Twitter.
Tuy nhiên, những nỗ lực ấy của Facebook, Twitter mới chỉ mang tính chất bước đầu, hoàn toàn như “muối bỏ bể”. Nói như John Cook - Phó Giáo sư tại Trung tâm Truyền thông về biến đổi khí hậu thuộc Ðại học George Mason (Mỹ), việc Facebook cung cấp sự thật là cần thiết nhưng chưa đủ để đối phó với thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu. Theo ông, chiến lược hiệu quả để xử lý tin giả về biến đổi khí hậu “cần phải là sự kết hợp giữa việc cung cấp thông tin và chống tin giả với việc kiểm tra thực tế nhưng cũng cần có những nỗ lực để giảm sự lan truyền của tin giả”.
Cũng chính vì thực trạng còn ngổn ngang của cuộc chiến chống tin giả về biến đổi khí hậu, tại sự kiện về biến đổi khí hậu lớn nhất trong năm của thế giới - Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các nhà vận động về môi trường đã thông qua bức thư ngỏ có chữ ký của 550 tổ chức và các cá nhân trong đó có cựu Thư ký điều hành Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP 21) Christiana Figueres - nhà ngoại giao Laurence Tubiana, một trong những kiến trúc sư của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, kêu gọi các đại biểu tham dự COP27 các nước không thể chống lại tình trạng biến đổi khí hậu nếu không giải quyết nạn tin giả, tin sai sự thật về biến đổi khí hậu với những hành động mạnh mẽ và nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Gửi kèm theo bức thư là kết quả một cuộc khảo sát về cách thức lan rộng tin giả về khí hậu được cho là diễn ra ở 6 nước lớn trên thế giới.
Bức thư khẩn thiết kêu gọi thông qua một định nghĩa chung về tin giả và tin sai sự thật về biến đổi khí hậu cũng như đề ra những biện pháp ngăn chặn vấn nạn này. Các nhà vận động cũng thúc giục lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter triển khai các chính sách siết chặt ngăn chặn tin giả lan tràn trên các nền tảng của mình giống như các hãng đã từng tiến hành chiến dịch chống tin giả về dịch COVID-19 trước đây. Và không chỉ là sự vào cuộc của riêng các trang mạng xã hội, vai trò của những tổ chức như Trung tâm Khoa học Khí hậu, nơi cung cấp cho người dùng thông tin có thẩm quyền, đáng tin cậy về biến đổi khí hậu và khoa học khí hậu, rằng những nơi như thế này phải là “địa chỉ đỏ” để nâng cao nhận thức đúng đắn của con người về biến đổi khí hậu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm