Thị trường hàng hóa
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS - Visa E9 do Colab phối hợp với HRD Korea triển khai.
Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp diễn. Chiêu trò của bọn tội phạm ngày càng tinh vi khiến nhiều người dân nhẹ dạ dễ dàng “sa bẫy”. Vì vậy, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.
“Giăng bẫy” nạn nhân
Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab - đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH) mới đây đưa ra khuyến cáo về các thông tin giả mạo liên quan đến việc cử lao động sang Hàn Quốc làm việc. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Để lấy lòng tin, những kẻ này tung tin sẽ đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS - Visa E9).
Colab cho biết, qua theo dõi gần đây xuất hiện một số đối tượng mạo danh đơn vị đăng tải thông tin tuyển dụng người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc với mục đích lừa đảo người lao động. Hiện tại, Colab là cơ quan duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) triển khai thực hiện Chương trình EPS - Visa E9.
Ban đầu, thông qua các trang mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo tiếp cận những người có nhu cầu xuất cảnh và hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục, yêu cầu gửi ảnh chân dung và căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu.
Sau đó, các đối tượng gửi ảnh hộ chiếu giả mạo (hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa thông tin), thông báo chi phí xuất cảnh và yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Tinh vi hơn nữa, chúng còn gửi hình ảnh chụp visa giả mạo để chiếm được lòng tin của nạn nhân, đồng thời thông báo thời gian xuất cảnh, yêu cầu nạn nhân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết.
Sau đó, các đối tượng gửi “Văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính” giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản (số tài khoản và thông tin giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để chứng minh tài chính và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền 30 - 40 phút. Lúc này, các đối tượng mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an liên tục gọi thúc giục người dân nộp tiền hoàn thiện hồ sơ rồi chiếm đoạt.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn tổ chức hội thảo, gặp gỡ người lao động tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt, chi phí xuất khẩu lao động thấp. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Với những chiêu trò tinh vi trên, các đối tượng đã dụ dỗ rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin nộp tiền đặt cọc từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cho quá trình hoàn tất “hồ sơ xuất khẩu lao động”.
Tỉnh táo trước thủ đoạn lừa đảo
Colab khuyến cáo, đối với thị trường Hàn Quốc, hiện Colab chỉ thực hiện phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình EPS - Visa E9. Người lao động tham gia chương trình này bắt buộc phải đăng ký và đạt yêu cầu qua hai vòng thi tiếng Hàn (EPS - Topik) và kiểm tra tay nghề đánh giá năng lực.
Việc tổ chức kỳ thi được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó người lao động đăng ký dự thi thông qua Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành nơi người lao động đăng ký thường trú.
Các thông tin về kỳ thi tiếng Hàn, thông báo ký hợp đồng, xuất cảnh đều được đăng tải công khai và đầy đủ trên website của Trung tâm. Chính vì vậy, Colab đưa ra thông tin để người lao động hiểu và nắm rõ quy trình, quy định của Chương trình EPS - Visa E9, cảnh giác và tỉnh táo trước hành vi lừa đảo của các đối tượng xấu.
Ngoài Colab, không một tổ chức, cá nhân nào khác được tham gia vào quy trình tuyển chọn, phái cử lao động Chương trình EPS. Trung tâm không tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc Chương trình lao động thời vụ (Visa E8), lao động tay nghề (Visa E7), thuyền viên tàu cá (Visa E10)...
Năm 2024, Hàn Quốc công bố chỉ tiêu tuyển chọn là 15.734 người lao động Việt Nam sang nước này làm việc theo Chương trình EPS, trong đó ngành sản xuất chế tạo 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngư nghiệp 3.033 người. Theo thông tin từ phía Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, từ nay đến cuối năm 2024, phía Hàn Quốc chưa tổ chức thêm các kỳ thi tiếng Hàn mới.
Trước cảnh báo của Colab, Bộ LĐ-TB&XH, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã khuyến cáo, người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chương trình xuất khẩu lao động qua các nguồn chính thống.
Tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở pháp lý; chỉ nên tham gia các chương trình xuất khẩu lao động thông qua các công ty được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép; tuyệt đối không nộp bất kỳ khoản tiền nào trước khi ký kết hợp đồng lao động rõ ràng với các điều khoản về công việc, thu nhập, chi phí cụ thể... Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân lập tức báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab), là cơ quan duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao phối hợp với HRD Korea triển khai thực hiện Chương trình EPS - Visa E9, người lao động cần cảnh giác trước những thông tin giả mạo, lừa đảo.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm