Thị trường hàng hóa
Vào ngày 18/7 năm nay, nhiệt 40,3 độ C đã đo được ở Coningsby thuộc vùng Lincolnshire của nước Anh. Lần đầu tiên trong lịch sử có một địa điểm ở xứ sở sương mù đạt đến ngưỡng nhiệt độ này. Nhiệt độ tối đa trước đó chỉ là 38,7 độ C, thực ra cũng chỉ mới được thiết lập hồi năm 2019 - chứ trước đó nước Anh luôn mát mẻ hoặc lạnh lẽo kể từ khi con người quan tâm và ghi chép về nhiệt độ. Theo các nhà khoa học tại World Weather Attribution, nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra, mức nhiệt 40 độ C ở Anh không thể xảy ra.
Tất nhiên, đó chỉ là một sự việc cho thấy biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo xa vời, mà đã là hậu quả nhãn tiền; gần như mọi chúng ta đều có thể nhìn thấy và cảm nhận. Rất nhiều những kỷ lục buồn về khí hậu vốn đã bị phá vỡ ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục trong năm 2022. Chúng đến dồn dập và khiến tất cả phải ngỡ ngàng, từ những trận hạn hán chưa từng có trong lịch sử tại Ý và Tây Ban Nha, những trận cháy rừng trải rộng khắp châu Âu, rồi những cơn sóng nhiệt thiêu đốt từ lục địa châu Á đến châu Âu; trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của hàng nghìn người.
Ngay cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres dù rất thấu hiểu mối nguy của biến đổi khí hậu cũng không khỏi bàng hoàng mà cảnh báo rằng: “Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm, từ lũ lụt, hạn hán, bão cực đoan và cháy rừng. Không quốc gia nào được miễn trừ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục nuôi chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch… Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Nó nằm trong tay của chúng ta”.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Petteri Taalas buộc phải thừa nhận về những cơn sóng nhiệt tại châu Âu sẽ là một tình trạng “bình thường mới”, tức không thể ngăn cản vào lúc này. “Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng… các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu… Trong tương lai, loại sóng nhiệt này sẽ là bình thường”, ông tuyên bố.
Có thể nói, chưa bao giờ nhân loại lại cảm nhận rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu như năm 2022. Ngay sau khi đại dịch COVID-19 vừa lắng xuống, thì hàng loạt thiên tai, sự kiện bất thường đã xảy ra trên khắp thế giới. Một trong những ví dụ gần đây là cơn mưa chưa từng có trong suốt 80 năm qua đã trút xuống thành phố Seoul của Hàn Quốc.
Trước đó, những trận bão, những cơn lốc xoáy, những trận lũ lụt lịch sử đã không thể kể siết trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu thể hiện rõ nét nhất chính là ở châu Âu, nơi vốn có khí hậu mát mẻ và hiền hòa trong tiềm thức từ trước đến nay của mọi người thì giờ đã khô hạn, nứt nẻ và nóng nực không khác gì châu Phi.
Thực tế, tháng 7 năm nay chính là tháng 7 ấm thứ ba được ghi nhận, cao hơn gần 0,4 độ C so với thời kỳ tham chiếu 1991-2020, mát hơn một chút so với tháng 7 năm 2019 và tháng 7 năm 2016. Như vậy, 2 kỷ lục trước đó cũng chỉ diễn ra trong vòng vài năm gần đây, càng cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động dồn dập đến trái đất.
Vậy thế giới đã làm được gì đề chống biến đổi khí hậu? Đây rõ ràng là mối băn khoăn mà mọi người trên thế giới đều đang thắc mắc, nhưng câu trả lời hẳn sẽ khiến chúng ta phải thất vọng. Thực tế, con người đã làm được rất ít những gì có thể để chống lại hiểm họa lớn nhất thế kỷ 21 mà Liên Hợp Quốc đã cảnh báo trong nhiều năm qua này.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được Liên Hợp Quốc và các tổ chức môi trường trên thế giới “kêu gào” từ lâu, nhưng lời đáp lại chỉ thực sự rõ ràng trong vài năm gần đây. Đúng là các quốc gia trên thế giới từng ngồi lại với nhau để đưa ra Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 1994, thời điểm thực hiện cũng đã là quá muộn cho một cuộc chiến thế kỷ. Song ngay cả như vậy, thì hiệp ước cũng mới chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ.
Đơn giản, nhân loại chưa bao giờ giảm thiêu đốt hành tinh này bằng nhiên liệu hóa thạch kể từ đó. Cụ thể, vào năm 2019, thế giới đã sử dụng tổng cộng hơn 136.000 telewatt nhiên liệu hóa thạch (gas, dầu và than đá) mỗi giờ, gần gấp đôi so với thời điểm UNFCCC được ký kết vào năm 1994 (khoảng 85.000 telewatt)!
Cũng phải sau đó đến hơn một thập kỷ, thỏa thuận đáng kể nhất về chống biến đổi khí hậu mới thực sự được ký kết trên thế giới. Đó là Hiệp định Paris 2015, khi đây là thỏa thuận đầu tiên nêu rõ mục tiêu, giải pháp và trách nhiệm rõ ràng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi là thế giới đặt mục tiêu không để nhiệt độ trái đất nóng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nếu không muốn đối mặt với thảm họa. Và giờ, con số đó đã ở mức 1,2 độ C, khoảng cách chỉ còn 0,3 độ C!
Cũng chỉ đến năm ngoái, khi Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland), thì thế giới mới thực sự đưa ra những cam kết rõ ràng về trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, hầu hết các quốc gia cam kết đưa lượng phát thải ròng bằng 0 (tức mức thải ra và hấp thụ khí CO2 phải bằng nhau) trước năm 2050. Đây cũng chỉ là lần đầu tiên thế giới chính thức xác định than, dầu, khí đốt hoặc nhiên liệu hóa thạch nói chung, là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu!
Như vậy, khi mà biến đổi khí hậu đã trở thành một thảm họa cận kề, thế giới mới bắt đầu vội vàng hành động. Song cũng chính bởi sự cấp bách và mức độ toàn cầu của nó, cuộc chiến này là của tất cả mọi người dân, mọi quốc gia, mọi tổ chức trên thế giới, chứ chẳng của riêng ai!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm