Thị trường hàng hóa
"Không còn một cây thông nào. Những người nuôi ong sẽ chỉ có thể lấy mật sau 30 năm nữa, và đó là chỉ khi rừng không bị đốt cháy nữa từ nay cho tới thời điểm đó", ông Albanis, 62 tuổi, người thu hoạch mật ong có tiếng của Hy Lạp trên đảo Evia trong hơn 50 năm qua cho biết.
Khi cháy rừng bùng phát trở lại khắp châu Âu vào mùa hè này, tình trạng khó khăn của người nuôi ong ở Hy Lạp làm nổi bật những thiệt hại lâu dài mà các vụ cháy rừng gây ra cho hàng nghìn cá nhân làm nông nghiệp và du lịch, chưa nói đến chi phí lớn hơn cho nền kinh tế.
Trong năm nay, cháy rừng đã bùng phát ở hàng chục quốc gia châu Âu, thiêu rụi hàng chục nghìn ha đất, phá hủy nhà cửa và cơ sở kinh doanh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu năm 2021, biến đổi khí hậu có thể hao tổn tới 4% GDP của châu Âu vào năm 2030 trong trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, trong khi lục địa này đang dần đẩy mạnh các nỗ lực liên quan đến khí hậu, các nhà chức trách đang vật lộn để nắm bắt được toàn bộ tác động của các vụ cháy rừng.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's thì Hy Lạp, nơi bị tàn phá nặng nề nhất châu Âu do cháy rừng vào mùa hè năm ngoái, hiện có thể trang trải hầu hết các chi phí ngắn hạn thông qua tài trợ khẩn cấp của EU. Nhưng sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy có thể gây tổn hại cho ngành du lịch của nước này về lâu dài.
Ông Steffen Dyck, Phó chủ tịch cấp cao của Moody's Investor Service, cho biết: “Các chi phí dài hạn, không chỉ do cháy rừng mà do cả biến đổi khí hậu, đang tăng lên... Nỗi lo về kinh tế và rất có thể sẽ còn gia tăng hơn nữa. Câu hỏi đặt ra là Châu Âu đối phó với điều này thế nào?".
Vào thời điểm mà ngân sách quốc gia và nền kinh tế đang bị căng thẳng sau đại dịch COVID-19, các chính phủ đang phải chịu áp lực tìm kiếm thêm nguồn tài trợ cho các thiết bị chữa cháy thiết yếu.
Ủy viên quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu, Janez Lenarcic, nói rằng các quốc gia thành viên phải chuẩn bị tốt hơn. Ông nói: “Những gì chúng tôi thấy sắp tới là sẽ có nhiều sự kiện liên quan đến thời tiết khốc liệt hơn".
Các quốc gia đang tăng chi tiêu cho chữa cháy. Pháp, nơi những đám cháy ở khu vực phía tây nam của nó đã thiêu rụi các khu cắm trại, cho biết họ đã dành 850 triệu euro để nâng cấp đội máy bay chữa cháy và cứu hộ của mình.
Phát ngôn viên chính phủ Giannis Oikonomou cho biết Hy Lạp, chỉ trong tuần này phải đối mặt với 50 đến 70 trận cháy rừng mỗi ngày, có nhiều máy bay và lính cứu hỏa hơn so với 3 năm trước. Họ đã phân bổ 75 triệu euro cho các biện pháp như phát quang rừng.
Nhưng đối với những người lính cứu hỏa Hy Lạp đang kiệt sức, những người thường phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên, thì cần phải làm nhiều hơn thế.
“Những người lính cứu hỏa lớn tuổi nhớ rằng chúng tôi chỉ từng có một trận hỏa hoạn lớn cứ sau 10 đến 15 năm. Bây giờ mỗi 3 năm lại có 1 trận cháy lớn”, ông Dimitris Stathopoulos, chủ tịch Liên đoàn lính cứu hỏa Hy Lạp, cho biết và nói thêm rằng họ cần thêm 4.000 nhân viên mới để đối phó với khối lượng công việc ngày càng tăng.
Các nhóm bảo vệ môi trường như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) nói rằng cần phải chi nhiều tiền hơn để ngăn chặn các đám cháy hơn là dập tắt chúng. Trong một báo cáo gần đây cho thấy Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp đã chi tới 80% số tiền hiện có cho việc dập tắt và chỉ 20% cho việc phòng ngừa.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm