Thị trường hàng hóa
Nhưng với những quyết tâm không ngừng nghỉ và một “cam kết khí hậu” đầy hứa hẹn, Amazon từng bước hướng tới mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040, trước 10 năm so với Thỏa thuận Paris 2015.
Amazon là thủ phạm xả thải carbon nhiều nhất giới công nghệ. Theo số liệu từ EnergyMinute, năm 2019, Amazon xả thải tới hơn 51 triệu tấn CO2e (đơn vị đo khí thải nhà kính), gấp hơn 3 lần công ty đứng thứ 2 là Google (15 triệu tấn CO2e).
Trong báo cáo bền vững hằng năm được Amazon công bố đầu tháng 8/2022, gã khổng lồ này cho biết các hoạt động của công ty đã thải ra khoảng hơn 71 triệu tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2021. Con số này tăng 18% so với năm 2020 và tăng gần 40% so với năm 2019, năm Amazon lần đầu tiên tiết lộ lượng khí thải carbon của mình.
Đại dịch COVID-19 đã đem lại số lượng lớn đơn đặt hàng cho Amazon và các công ty thương mại điện tử khác. Nhiều người tiêu dùng đã chuyển hẳn sang hình thức mua sắm trực tuyến để tránh rủi ro tiếp xúc với virus Corona trong thời kỳ dịch bệnh.
“Làn sóng” nhu cầu đó đã thúc đẩy Amazon mở rộng mạng lưới hậu cần gồm xe giao hàng, máy bay và xe tải. Công ty cũng nhanh chóng mở thêm các kho hàng mới để xử lý luồng đơn đặt hàng.
Kết thúc năm 2021, Amazon đã tăng gấp đôi quy mô của mạng lưới vận hành mà họ đã xây dựng trong 25 năm trước đó. Công ty cũng bổ sung thêm nhiều trung tâm dữ liệu để hỗ trợ Amazon Web Services (AWS), khi đại dịch thúc đẩy các tập đoàn chuyển đổi sang hoạt động trên điện toán đám mây.
“Góp công” lớn trong đống khí thải khổng lồ của Amazon chính là trung tâm dữ liệu của AWS. Dù là một ông lớn thương mại điện tử, nhưng mảng chủ lực mang lại nguồn thu cho Amazon lại chính là dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ thông tin Amazon Web Service. AWS là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi công bố “Cam kết khí hậu” vào năm 2019, Amazon đã đặt mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040, trước 10 năm so với Thỏa thuận Paris. Công ty đã mua 100.000 xe tải giao hàng điện từ Rivian Automotive, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 2030. Amazon cũng ra mắt một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD để đầu tư vào các công nghệ khí hậu mới, góp phần thúc đẩy các mục tiêu bền vững của công ty.
Jeff Bezos - người sáng lập kiêm CEO Amazon đã nói: “Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để thực hiện Cam kết khí hậu - cam kết của chúng tôi là đạt mức carbon ròng bằng 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
Đối với một công ty như Amazon, công ty có cơ sở hạ tầng rộng lớn để vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, việc loại bỏ khí thải là một thách thức xuyên suốt hoạt động kinh doanh. Nhiên liệu hàng không bền vững và xe tải điện hạng nặng vẫn cần nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, mới được áp dụng rộng rãi.
Hơn nữa, khi Amazon mở rộng tới các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đang theo đuổi đường lối năng lượng xanh như Singapore, Úc hay Thụy Điển, thì họ bắt buộc phải đầu tư đẩy mạnh năng lượng xanh.
Tính đến giữa năm 2021, Amazon có tổng cộng 232 dự án năng lượng tái tạo trên toàn cầu, bao gồm 85 dự án năng lượng Mặt trời và gió quy mô nhỏ, 147 dự án điện Mặt trời áp mái tại các cơ sở và cửa hàng trên toàn thế giới.
Cuối năm 2021, Amazon đã công bố một thương vụ bom tấn: Mua 18 dự án mới trên khắp thế giới. Các dự án mới này nâng tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo của Amazon cho đến nay lên 10 gigawatt, nguồn điện đủ để cung cấp năng lượng cho 2,5 triệu ngôi nhà ở Mỹ. Amazon hiện là tập đoàn mua năng lượng tái tạo lớn nhất ở Mỹ.
Amazon và Amazon Web Services đã đầu tư và phát triển ở Singapore trong hơn một thập kỷ. Các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn, chẳng hạn như ở Singapore, phù hợp với mục tiêu chính của “Cam kết khí hậu” về sử dụng năng lượng sạch hơn.
Các dự án này còn giúp Amazon thực hiện cam kết vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, sớm 5 năm so với kế hoạch. Dự án này sẽ cung cấp năng lượng tái tạo cho các văn phòng của Amazon, trung tâm hoàn tất đơn hàng và trung tâm dữ liệu AWS hiện hỗ trợ hàng triệu khách hàng trên toàn cầu.
Các trung tâm dữ liệu đang ngốn một lượng năng lượng khổng lồ. Theo ước tính của EnergyMinute, các trung tâm năng lượng đang chiếm tới 2% tổng lượng điện sử dụng của Mỹ. Trên toàn cầu, các trung tâm này tiêu tốn khoảng 200 terawatt giờ (TWh). Do đó, việc đầu tư mạnh vào điện năng lượng mặt trời cũng là một cách giảm chi phí cho hệ thống khổng lồ của AWS.
Thực tế ngoài Amazon, hầu hết các đối thủ cạnh tranh của gã khổng lồ này cũng rất ý thức được trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Họ đã hoàn thành các thỏa thuận ràng buộc họ vào nguồn năng lượng tái tạo trong một thập kỷ trở lên.
Google đã đạt 100% điện tái tạo vào năm 2017, với hơn 7 gigawatt được mua; nỗ lực tiếp theo của gã khổng lồ này là đảm bảo các trung tâm dữ liệu của nó chạy “24/7” không có carbon, nghĩa là tất cả năng lượng của họ luôn đến từ các nguồn tái tạo, thay vì mua năng lượng mặt trời dư thừa trong ngày để bù cho năng lượng than.
Apple thông báo rằng họ đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động của mình vào năm 2018. Song bước tiếp theo, thách thức hơn nhiều là giúp các nhà cung cấp và nhà sản xuất cho họ làm được điều tương tự - mục tiêu mà hãng này đã đặt ra cho năm 2030. Chưa hết, Microsoft cũng có gần 8 gigawatt năng lượng tái tạo, 5,8 trong số đó được mua vào năm 2021.
Bên cạnh việc bổ sung nguồn cung năng lượng tái tạo hoàn toàn mới vào lưới điện của các quốc gia có sự hiện diện của AWS trên toàn thế giới, cơ quan quan trọng hàng đầu của Amazon này còn đã và đang tập trung cao độ vào việc nâng cao hiệu quả toàn diện cho cơ sở hạ tầng của công ty, từ cơ sở hạ tầng có độ khả dụng cao cho máy chủ, tới các kỹ thuật làm mát trung tâm dữ liệu, cũng như các thiết kế máy chủ sáng tạo cho khách hàng. Cho đến nay, tiết kiệm năng lượng luôn là mục tiêu chính đối với cơ sở hạ tầng toàn cầu của Amazon.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm