Thị trường hàng hóa
“Bóng thời gian” là triển lãm đầu tay của nữ họa sĩ Đặng Thị Phượng sẽ diễn ra vào ngày 5/3 tại The World Artspace (21 Võ Trường Toản, Thảo Điền, TPHCM).
Chỉ với 27 bức tranh nhưng họa sĩ đã phải mất tới gần 6 năm gửi gắm vào những lớp lang sơn mài “linh hồn” Cố đô Huế, để người xem có thể bóc tách và rung cảm trước vẻ đẹp của những lầu son gác tía cố đô.
Huế không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn đối với nghệ thuật, mà ẩn sâu trong Huế còn là lớp thời gian của lịch sử, của thời quá khứ vàng son. Huế đấy nhưng người đâu? Đền đài còn đó nhưng rong rêu đã trùm phủ như thể lãng quên. Vẻ đẹp và nỗi buồn cố đô vì vậy mà trở thành vĩnh cửu trong những tâm hồn tha thiết với Huế.
Bàn về nghệ thuật tái hiện xứ Huế, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng: “Có nhiều cách nhìn lại hoặc tìm về quá khứ, nhưng đa số vẫn ở dạng “ôn cố tri tân”. Muốn làm cho quá khứ sinh động ở hiện tại, thậm chí tái sinh trong hiện tại, cách tối ưu nhất là tái sáng tạo quá khứ bằng các tác phẩm nghệ thuật”.
Có nhiều thi nhân đã viết về Huế, cũng nhiều họa sĩ phác họa Huế trong tâm tưởng, nhiều nhà điêu khắc cũng ra sức “tạc Huế” bằng tất cả sự cẩn trọng. Thế nhưng, dù vẫn còn đó những tác phẩm lớn nhưng ý niệm tái sinh Huế lại không thực sự rõ nét.
Cũng bởi cái bóng của những “cây đa” trong làng hội họa nên thế hệ nghệ sĩ trẻ giờ đây - vẽ về Huế là điều cực khó, bởi có thể dễ “phạm húy” hay đi vào một lối mòn có sẵn. Thành công của thế hệ đi trước vô tình tạo ra áp lực khiến cho sự sáng tạo đương đại trở nên ngập ngừng, e ngại.
Thế nên để họa sĩ trẻ dấn thân với Huế không chỉ là vốn quý, mà còn là mạo hiểm. Đặng Thị Phượng là một họa sĩ trẻ như vậy, đã mạo hiểm gửi gắm những tâm tình rất ý nhị về Huế, muốn khơi gợi vẻ đẹp Huế bằng cách “phẫu thuật” bóc tách các lớp thời gian để tái sinh cố đô trong lớp sương phủ mơ hồ.
Bóng thời gian của Huế hiện lên qua 27 bức tranh sơn mài. Ở đó có đền đài, di sản, hoa văn, cả những bức tường thành đã hoang hóa rơi rụng… như cho người xem thấy được thời gian đang cố bám víu vào từng thớ gạch vôi vữa.
“Bóng thời gian” như là sự hoài niệm, là tiếng lòng lay động trước những nét đẹp cổ xưa trầm mặc với những hoa văn, họa tiết trang trí tinh nhã, bờ thành đổ nát hoang tàn, những bức phù điêu lặng lẽ, những mái điện nghiêng xiêu trong các di tích kiến trúc thời Nguyễn ở Huế - nơi tôi đã sống”, họa sĩ Đặng Thị Phượng chia sẻ.
Sinh ra tại Quảng Bình nhưng suốt quãng thời gian học nghệ thuật tại Huế - Phượng có những năm tháng khám phá cố đô, cảm nhận những phôi pha và cả những vẻ đẹp mà chỉ Huế mới có: “Những tháng ngày ở Huế như một cuộc trải nghiệm đầy lo toan vất vả, nhưng ngập tràn xúc cảm. Ở những lăng tẩm - cổ thành như có tiếng vọng thời gian đọng lại. Tôi từng bất lực với nỗi niềm tiếc nuối khi nhiều giá trị văn hóa xưa cứ mờ dần theo thời gian”.
Để tái sinh Huế, trong 6 năm qua nữ họa sĩ đã miệt mài chuyển tải tất cả vẻ đẹp mà cô cảm nhận được vào 27 bức tranh sơn mài - như thể phải nhanh, phải chắt lọc kỹ kẻo vẻ đẹp kia rơi rụng đi mất.
Nhận định về các tác phẩm trong “Bóng thời gian”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng: “Phượng đã nhìn Huế theo ý tưởng của mình, tuy nhẹ nhàng nữ tính nhưng không câu nệ rập khuôn quá khứ. Đó là một Huế được chắt lọc, được quy nạp để thành những di tích, những di sản chung mà bất kỳ ai hay dân tộc nào đã từng đi qua quá khứ đều có thể nhận ra”.
Cũng theo ông Lý Đợi, Cố đô Huế đi vào lớp lang sơn mài, vừa hàn lâm vừa phá cách, làm cho tranh của Phượng không thật nổi bật, nhưng cũng không hề nhạt nhòa, nên khó lầm với ai khác. Cố đô đã tái sinh, đã đồng hiện khá tự nhiên trong sơn mài.
Xem loạt tranh sơn mài, như “Vết tích” hay “Bóng thời gian”… công chúng không chỉ thấy rõ ý niệm tái sáng tạo, mà qua chất liệu sơn mài truyền thống, Huế hiện ra với tất cả chiều sâu của lịch sử. Họa sĩ vẽ về cổng thành xưa không còn nguyên vẹn, những vết nứt, mẻ, bể vỡ do thời gian và chiến tranh, cùng với màu thời gian rêu phong cũ kĩ.
Với kỹ thuật sơn mài truyền thống kết hợp chất liệu khác làm cho hình tượng chính có những độ dày nổi khác nhau, gợi khối mảng biểu hiện chất - lớp - mảng màu tạo cảm giác gồ ghề, chân thực và đem lại bề mặt tranh cảm giác vừa thực vừa biểu hiện. Họa sĩ tinh tế kết hợp màu đỏ của một thời vàng son như là sự luyến tiếc vọng về từ quá khứ.
Họa sĩ Phượng nói rằng, không quá chú tâm vào sự cần thiết phải có nét độc đáo, khác biệt nào đó cho dù điều đó là khá quan trọng. Tuy nhiên nếu các tác phẩm của cô làm người xem nhận ra sự níu kéo thời gian qua các hình thể, sắc âm thì đó cũng là một trong những điều mà họa sĩ gửi gắm.
“Thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lý lẽ. Chính năm tháng, độ lùi, khoảng cách ý thức hệ, sự biến đổi và tinh thần sáng tạo đã làm cho tranh Đặng Thị Phượng có được sự tự tại, rung cảm trước phôi pha”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay.
“Tôi hướng mình theo lối vẽ không gần quá vào việc trực tiếp tả thực, mà cảm nhận hiện thực bằng ký ức, bằng những nỗi niềm suy tư với cảm nhận riêng của mình. Chính vì vậy, tranh của tôi có lẽ thiên về sự bứt phá về hình mảng, xô lệch về bố cục và đường nét, màu sắc đậm nhạt cũng khó mà tươi tắn” - Họa sĩ Đặng Thị Phượng. |
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm