Thị trường hàng hóa
Tham dự lễ kỷ niệm có ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng ông Vishal V. Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới kỳ họp lần thứ 46.
Ngày 17/12/1994, Vịnh Hạ Long lần đầu tiên được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị cảnh quan nổi bật toàn cầu. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách danh giá này. Không dừng lại ở đó, vào năm 2000, UNESCO tiếp tục công nhận Vịnh Hạ Long vì giá trị địa chất - địa mạo đặc biệt.
Ba thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo Công ước Di sản Thế giới năm 1972.
Ngay từ năm 1995, Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để quản lý di sản một cách chuyên nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt quy hoạch bảo tồn và ban hành các quy chế quản lý nghiêm ngặt, từ bảo vệ môi trường đến duy trì đa dạng sinh học.
Nhiều chính sách, quy hoạch và giải pháp đột phá đã được triển khai như, cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối, di dời cơ sở gây ô nhiễm và xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, từ cảng tàu khách đạt chuẩn quốc tế đến các công trình văn hóa như bảo tàng và thư viện.
Giáo dục cộng đồng cũng là một trọng tâm trong chiến lược bảo tồn, Quảng Ninh đã đưa chương trình giáo dục bảo vệ di sản vào trường học, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan Vịnh.
Đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 57 triệu lượt khách từ khắp nơi trên thế giới với doanh thu tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng. Không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, Vịnh Hạ Long còn được vinh danh với nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm: Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai (năm 2000); Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới (2011); Di sản địa chất quốc tế Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (2023).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng không gian du lịch để giảm tải áp lực cho vùng lõi di sản, kết nối Vịnh Hạ Long với các địa danh như Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô.
Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản giai đoạn mới, với trọng tâm là: Nghiên cứu sâu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long; Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn bảo tồn di sản với du lịch bền vững; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long như một biểu tượng văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Đạo Cương, nhấn mạnh: “Sự có mặt của Vịnh Hạ Long trong danh sách Di sản Thế giới không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Những thành tựu đạt được minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo tồn các giá trị di sản.”
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Vishal V. Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới kỳ họp lần thứ 46, khẳng định: “Vịnh Hạ Long là biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Đây không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nguồn cảm hứng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm bảo tồn những di sản vô giá cho thế hệ mai sau. Thành công của Việt Nam trong bảo tồn Vịnh Hạ Long là hình mẫu cho các Di sản Thế giới khác.”
Nhìn về chặng đường 30 năm đầy tự hào, Vịnh Hạ Long không chỉ là biểu tượng thiên nhiên độc đáo của Việt Nam mà còn là minh chứng sống động cho nỗ lực gìn giữ di sản của cả cộng đồng. Từ vẻ đẹp tự nhiên kỳ vĩ đến những giá trị văn hóa và sinh thái sâu sắc, di sản này đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa sức hút đặc biệt tới bạn bè quốc tế.
Với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, cộng đồng địa phương và sự hỗ trợ từ quốc tế, Vịnh Hạ Long hứa hẹn sẽ không chỉ giữ vững vị thế của một kỳ quan thiên nhiên thế giới, mà còn trở thành hình mẫu cho sự phát triển bền vững, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện để tạo nên những giá trị trường tồn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm