Thị trường hàng hóa
Theo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội đình Cung Chúc, năm nay cũng như thường lệ, các sự kiện và hoạt động chính của lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 9 đến 12/12/2024 (tức mồng 9 đến 12 tháng 11 năm Giáp Thìn).
Lễ hội gồm phần lễ với các sự kiện hoạt động mang ý nghĩa như: Tế nhập tịch, Tế Thánh, Rước kiệu, dâng hương bái yết, Tế tạ và phần hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao sôi nổi, mang đậm bản sắc của vùng quê Bắc Bộ.
Theo đó, ngày 9/12, lễ hội có các hoạt động như Tế nhập tịch mở cửa đình, văn nghệ chào mừng lễ hội; ngày 10/12: Rước kiệu các Thành Hoàng về đình, Tế Thánh, tổ chức giải bóng chuyền, văn nghệ trên sân khấu và trên hồ; ngày 11/12: khai mạc lễ hội, hát Ca trù, dâng hương bái yết Thành Hoàng, Tế Thánh, tổ chức giải bóng chuyền, văn hóa văn nghệ; ngày 11/12: văn hóa văn nghệ trên hồ; tổ chức đùa hồ bắt cá, Tế tạ đóng cửa đình và kết thúc lễ hội.
Đình Cung Chúc (tên cũ là đình Kính Chúc) được xây dựng cách đây hàng trăm năm, dưới từ thời Lê, thờ 4 vị Thành Hoàng làng là Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long Cung, Quý Minh và Hải Khẩu Đài Bàng Chi Thần.
Ngôi đình Cung Chúc cổ nổi tiếng một thời vì có kiến trúc rất độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị như câu thơ đã lưu truyền: “Tiếng đình Cung Chúc quả không sai. Kiến trúc kỳ công đủ vẻ tài. Mười sáu lỗ đục qua cột cái. Cổ truyền nay có một không hai”.
Theo đó, ngôi đình cổ trước đây có 25 gian xây theo kiến trúc kiểu tứ diện đồng tứ, bốn hướng đều thấy năm gian và năm gian hậu cung rất bề thế, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm các hàng cột đỡ các bộ vì liên kết, mộng chốt theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc hoa văn cầu kì, tinh xảo. Ở đại đình là 4 bộ vì, trên 8 cột cái và 8 cột quân. Các bộ vì liên kết với nhau qua hệ thống xà dọc. Tất cả chỉ sử dụng vẻn vẹn 16 lỗ đục thông qua cột cái. Các kết cấu còn lại liên kết bằng khớp chồng mộng trên các đấu ở các đầu cột, tạo nên ngôi đình bề thế và vững chắc. Phần trước đình có 10 cột, trong đó 6 cột góc mỗi cột đục 2 lỗ, 4 cột còn lại mỗi cột đục 1 lỗ (16 lỗ đục), sau đó được khớp chồng, đấu đỡ để giữ mái.
Đình Cung Chúc hiện còn lưu giữ 18 đạo sắc phong của các Triều đại Hậu Lê và Triều Nguyễn, sắc xa nhất vào năm 1844, sắc gần nhất là năm Khải Định (1924); 2 bia đá (Bi ký hậu thần) niên đại Cảnh Trị thất niên (1669) và Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Ngoài ra, đình còn lưu giữ các bức đại tự, cửa võng, long ngai, kiệu, bát biểu, các bia đá ghi danh hậu thần được cúng tế trong đình...
Thời phong kiến, ngôi đình chính là nơi diễn ra các hoạt động của làng xã như Hội đình hương chính để bàn việc dân, việc nước. Ngày nay, đình là ngôi nhà chung, là nơi giao lưu gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống dân gian, địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của người dân địa phương.
Với những giá trị đặc sắc, đình Cung Chúc được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là một trong ít di tích được xếp hạng quốc gia từ rất sớm.
Năm 2010, khu di tích đình Cung Chúc được đầu tư xây dựng lại toàn bộ gồm đình, các hạng mục và khuôn viên xung quanh theo quy mô, kiến trúc như hiện tại.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm