Thị trường hàng hóa
Thông tin trên được Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ tại buổi giới thiệu thiệu chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới” dành cho các startup Việt hướng đến mục tiêu tăng tốc phát triển DN do Google, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 11/7.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á năm 2022, Việt Nam đang nổi lên trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á khi nền kinh tế Internet quốc gia được dự đoán sẽ đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 (tăng trưởng nhanh nhất khu vực). Ngoài ra, Việt Nam hiện có 4 công ty kỳ lân công nghệ (tính đến 2023) và hơn 3.400 startup với nguồn nhân sự giàu chuyên môn và đủ khả năng phát triển những giải pháp và sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, việc thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái ĐMST tiếp tục có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay, vốn đang được đánh giá là một “ngôi sao đang lên” ở khu vực Đông Nam Á. Nhất là trong bối cảnh các DN khởi nghiệp ĐMST đã và đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế với những ý tưởng đột phá, hướng đi mới và cách làm sáng tạo.
Theo các báo cáo thường niên về ĐMST và khởi nghiệp của Do Ventures và StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường lẫn số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư ĐMST đang hoạt động tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn, chủ yếu do tính “mở” của nền kinh tế. Với những sáng kiến và giải pháp đúng đắn, bám sát xu hướng, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ những xu hướng này để thực sự trở thành một trung tâm về ĐMST và khởi nghiệp trong khu vực và toàn cầu.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa có được hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh để ươm mầm, nuôi dưỡng và lan tỏa tinh thần này. Các DN đặc biệt các DN khởi nghiệp vẫn còn loay hoay dẫn đến vướng mắc về vốn; Thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng quản trị điều hành; Thiếu nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời mỗi khi gặp thách thức và dễ thất bại”, Thứ trưởng Trần Duy Đông bày tỏ.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực góp phần giải quyết những khó khăn của DN ĐMST và khởi nghiệp, như tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế cũng như các kỹ năng phát triển kinh doanh.
Đồng thời liên kết với các tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, các vườn ươm, các trường đại học có chương trình đào tạo về ĐMST và khởi nghiệp để cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp…
Mặc dù vậy, do khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong một thị trường mở và mang tính cạnh tranh cao. Nếu chỉ kinh doanh bằng niềm đam mê và sự may mắn, DN rất dễ gặp rủi ro. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay "tay ngang" vào nghề, ít có trải nghiệm sâu sắc từ trong ngành và chưa thực sự hiểu rõ về công nghệ và lĩnh vực mình theo đuổi.
Các bạn trẻ cần phải chuẩn bị những điều kiện "cần" và "đủ" về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đam mê để DN phát triển bền lâu. Hơn nữa, DN khởi nghiệp Việt Nam dù có trí tuệ, năng động, sáng tạo nhưng khi ra thị trường nước ngoài còn nhiều thiếu xót, như các hệ thống hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh; mô hình kinh doanh còn dàn trải, chưa tập trung; kỹ năng ngoại ngữ, gọi vốn còn yếu; sự cọ xát tại các đấu trường lớn như trong khu vực chưa nhiều.
Từ những lý do trên, Bộ KH&ĐT giao NIC phối hợp với Tập đoàn Google và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam triển khai Chương trình Hỗ trợ Tăng tốc DN Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2023 - Google for Startups Accelerator Southeast Asia: Việt Nam Bứt phá đổi mới.
“Tôi hy vọng, sau khi tham gia chương trình, các DN khởi nghiệp Việt Nam sẽ nắm rõ ưu khuyết điểm, học hỏi từ những kinh nghiệm của người đi trước. Từ đó, hạn chế được một số sai lầm, giảm thiểu rủi ro, ổn định và phát triển DN hiệu quả, đưa những ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiến xa hơn, bền vững hơn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Chương trình năm nay được xây dựng trên sự thành công của chương trình ‘Google for Startup: Startup Academy Vietnam’ ra mắt và triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2022 cho 50 startup đến từ 16 lĩnh vực chủ đạo khác nhau trên cả nước. Một số startup tham gia chương trình năm ngoái như Momby với ứng dụng trợ lý cá nhân dành cho cha mẹ đã thu được hơn 35.000 người dùng, hay BenKon đã hoàn tất thành công vòng gọi vốn cho giải pháp tiết kiệm năng lượng của mình.
Năm nay, chương trình sẽ đào tạo 6 ngành nghề chính thay vì 16 như năm ngoái, nhằm đảm bảo sự tập trung chuyên sâu đồng thời phù hợp với các lĩnh vực phát triển cốt lõi của quốc gia: giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp, bán lẻ, công nghệ tài chính và đô thị thông minh.
"Google for Startups Accelerator, Southeast Asia" là chương trình kéo dài 3 tháng, mở đầu bằng một trại đào tạo trực tiếp trong 5 ngày, sau đó là năm hội thảo trực tuyến trong thời gian tới ngày Tốt nghiệp và Demo Day. Các startup tham dự khóa đào tạo sẽ trải qua những phiên cố vấn với các chuyên gia từ Google và trong ngành chuyên môn xuyên suốt 3 tháng. Nhằm đảm bảo hiệu quả với những hỗ trợ chuyên sâu từ Google và NIC suốt chương trình, sẽ có 20 startup được lựa chọn để tham gia vào các phiên đào tạo, cố vấn trực tiếp một kèm một (1:1), cố vấn theo nhóm và các hội thảo.
Những startup được chọn sẽ được tham gia vào mạng lưới "Google for Startups" toàn cầu với hơn 1.000 DN đã tham gia sáng kiến này từ nhiều khu vực. Theo đại diện Google, đơn vị này hi vọng sẽ mang đến cho các startup Việt Nam cơ hội tiếp xúc, thiết lập mạng lưới và tiếp cận nguồn lực để mở rộng trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, để đảm bảo nhiều startup có thể hưởng lợi từ nội dung chương trình, Google và NIC sẽ đồng thiết kế những hội thảo tập huấn trực tuyến cho 200 startup trên toàn quốc.
Thye Yeow Bok, Giám đốc Hệ sinh thái Khởi nghiệp, khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Đại Trung Hoa, Google Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, sự ra mắt của chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới” tiếp tục là lời cam kết dài hạn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy sự tăng trưởng của các startup trong nước thông qua các khóa đào tạo, cố vấn và mạng lưới kết nối chuyên sâu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm