Thị trường hàng hóa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2022, ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục. Cả ngành thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 40% với gần 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ, mang về trên 2 tỷ USD.
Trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn mạnh mẽ vươn lên. Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra. Trong đó Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đứng đầu trong số gần 900 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản với doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%; Công ty IDI tăng 86%, NAVICO tăng 41%; Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%;...
Biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và xung đột Nga - Ukraine lại là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam. Cá tra sẽ được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.
Đối với mặt hàng tôm, dẫn đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3, doanh số tăng nhẹ 6%, tuy nhiên xuất khẩu của Công ty Minh Phú - Hậu Giang lại tăng 30%. Nhiều doanh nghiệp tôm khác vẫn giữ được tăng trưởng cao như: Công ty CP Dịch vụ và thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%; Công ty Thuỷ sản Sao Ta tăng 18%; Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước tăng 13%; Công ty CP Chế biến thủy sản Tài Kim Anh tăng 73%. Đáng lưu ý có Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.
Khó khăn hơn tôm và cá tra, doanh nghiệp hải sản càng nỗ lực vượt trội và đã đạt được kết quả cao hơn năm trước. Trong đó, những công ty cá ngừ như Hải Long Nha Trang tăng doanh số xuất khẩu 58%; Công ty CP Thuỷ sản Bình Định tăng 33%; Công ty TNHH Hải Vương (HAVUCO) tăng 144%;...
Nhận diện các thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2022, tại công văn mới đây VASEP gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.
VASEP cho biết, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP. Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.
Vấn đề thứ 2 được VASEP đề cập đó là 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.
Cũng theo VASEP, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.
Một thách thức, khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.
Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
VASEP cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, VASEP đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.
“Điều này sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thuỷ sản thế giới. Ít nhất 10 năm qua, nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp đã được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng để đáp ứng đơn hàng và việc làm khi “giáp vụ” hoặc nhu cầu thế giới tăng cao”, VASEP nhận định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm