Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến hết tháng 9/2024, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý ước đạt hơn 1.538.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hợp nhất (công ty mẹ - công ty con) trong 9 tháng đầu năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban này quản lý ước đạt 1.538.038 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 85.886,73 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 157.855 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch năm.
Một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã công bố kết quả kinh doanh tích cực. Với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, giá bán mủ cao su tăng cao do nguồn cung suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á và nhu cầu mua tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ đã thúc đẩy kinh doanh quý III/2024. Lợi nhuận ròng hợp nhất trong quý III/2024 đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn này đạt 16.953,7 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 2.705 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng tương ứng 17% và 38,4%.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất ước đạt 26.307 tỷ đồng (vượt 5,23% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.450 tỷ đồng (vượt 8% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.746 tỷ đồng (vượt 9% kế hoạch).
Diễn biến tích cực của giá cước vận tải biển do xung đột tại Biển Đỏ tiếp tục phức tạp, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới, nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại thị trường Mỹ và châu Âu đã hỗ trợ kết quả kinh doanh của VIMC. 9 tháng đầu năm nay, VIMC đạt 12.360 tỷ đồng doanh thu và 2.242 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt 31% và 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
VIMC cho biết, giá cước trung bình đã giảm liên tiếp kể từ giữa tháng 7 do các hãng tàu đã dần thích ứng được với việc phải định tuyến lại, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới dần được cải thiện, nhu cầu, số lượng tàu đóng mới bàn giao tiếp tục ở mức cao... Với thị trường vận tải container nội địa, tình hình không có quá nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 85.466 tỷ đồng, tăng hơn 24,64% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận sau thuế hơn 6.263 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lỗ trước thuế 3.700 tỷ đồng.
Dù thị trường có sự phục hồi nhất định, đại diện Vietnam Airlines khẳng định còn nhiều khó khăn phải vượt qua do hệ lụy kéo dài của dịch Covid-19. Tính đến hết năm 2023, Vietnam Airlines vẫn âm vốn chủ sở hữu hơn 17.026 tỷ đồng. Thị trường hàng không đang tiếp tục đối mặt với các thách thức kéo dài như xung đột chính trị, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…
Chưa công bố lợi nhuận nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm tăng 12% so với cùng kỳ 2023, đạt 736.500 tỷ đồng. Trong đó, 5/6 chỉ tiêu tăng trưởng từ 9 - 31% như nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn tăng 9%…
Một số tập đoàn, tổng công ty khác cũng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng tích cực như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lãi ròng 8.487,8 tỷ đồng (tăng trưởng 21%); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lãi ròng 2.551 tỷ đồng (tăng trưởng 11,5%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng 9,93% lợi nhuận trước thuế công ty mẹ so với 9 tháng đầu năm 2023, đạt 3.412 tỷ đồng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm