Thị trường hàng hóa
Nhiều quan ngại
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Dự thảo) do Bộ Y tế soạn thảo đang được lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ từ ngày 3/7/2024.
Góp ý cho Dự thảo, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiệp hội ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong các quyết sách để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân. Trong đó có quyết sách về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
VASEP cũng đánh giá cao Ban soạn thảo về việc đã tiếp thu một nội dung quan trọng trong các ý kiến góp ý, kiến nghị của VASEP cho Nghị định 09/2016 trong suốt 6 năm qua. Theo đó, Dự thảo đã loại trừ việc áp dụng Nghị định đối với đối tượng là thực phẩm xuất khẩu.
"Điều này không chỉ phù hợp với thực tiễn, với khoa học mà sẽ giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản nói riêng, chế biến hàng thực phẩm nói chung trong quá trình sản xuất xuất khẩu hàng hóa. Qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm tại các nước trong khu vực", VASEP đánh giá.
VASEP nêu nhiều quan ngại liên quan tới quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Tuy nhiên, VASEP bày tỏ quan ngại, khi quy định theo Nghị định 09/2018 hiện nay hoặc nội dung Dự thảo, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nếu phải sử dụng đến muối trong quy trình sản xuất thì không thể kiếm được nguồn cung muối sạch (tinh) để phục vụ sản xuất, vì các đơn vị nhập khẩu/sản xuất/cung ứng muối đã phải tuân thủ đầy đủ quy định bổ sung i-ốt vào 100% muối trước lưu thông. Đây là vấn đề quan ngại của thực tiễn cần Ban soạn thảo nghiên cứu, có giải pháp phù hợp.
Một quan ngại lớn khác của VASEP là Dự thảo vẫn tiếp tục giữ nguyên quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.
Theo VASEP, yêu cầu này đã và đang gây ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp thực phẩm trong suốt hơn 9 năm qua. Lý do là quy định chưa đủ cơ sở pháp lý, mâu thuẫn với Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, chưa phù hợp với Hiến pháp 2013.
Quy định cũng chưa đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Dự thảo và các tài liệu hỗ trợ còn lẫn lộn giữa hai nội dung muối i-ốt dùng cho hộ gia đình và muối dùng cho chế biến thực phẩm. Việc bổ sung i-ốt vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm nhiều khi không có hiệu quả, do i-ốt hầu như mất hết trong quá trình chế biến.
Đặc biệt, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây khó khăn, bất cập lớn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thị trường nội địa.
Ngoài ra, quy định không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Việc lựa chọn thực phẩm để bổ sung vi chất trong Dự thảo cũng chưa đúng với tiêu chí là thực phẩm thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới nêu trong tờ trình.
Báo cáo tác động chính sách và các tài liệu kỹ thuật đính kèm được xây dựng với nhiều thông tin còn sai lệch, chưa đầy đủ và chưa đủ cơ sở khoa học.
Kiến nghị không bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối trong chế biến thực phẩm
Ngày 15/7 vừa qua, các hội, hiệp hội ngành hàng thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” để cùng các chuyên gia y tế, chuyên gia thực phẩm, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung của Dự thảo.
Trên cơ sở phân tích thực tiễn hơn 9 năm qua, đồng thời tổng hợp các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp hội viên cũng như các góp ý tại hội thảo nói trên, VASEP đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế sớm hoàn thiện và ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09 phù hợp với Hiến pháp 2013, Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, phù hợp với cơ sở khoa học và quản lý rủi ro, phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế. Bảo đảm nâng cao sức khỏe nhân dân cho các nhóm đối tượng khác nhau, không vì ưu tiên nhóm đối tượng này mà làm tổn hại sức khỏe nhóm đối tượng khác. Đồng thời, tháo gỡ triệt để các bất cập tồn tại thời gian quá dài cho ngành chế biến thực phẩm.
Cụ thể, VASEP đề xuất khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm thay cho việc quy định bắt buộc như hiện nay. Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình, dịch vụ ăn uống trực tiếp đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.
Cho phép các cơ sở sản xuất muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt, của doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối thường dùng cho người thừa i-ốt.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm