Thị trường hàng hóa
Khó khăn bủa vây, tài sản của loạt tỷ phú thi nhau sụt giảm
Giới siêu giàu Trung Quốc chứng kiến khối tài sản của họ giảm nhiều nhất trong hơn hai thập kỷ qua, khi cuộc gây hấn Nga-Ukraine, các biện pháp phong toả của Bắc Kinh và thị trường chứng khoán địa phương sa sút đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.
Danh sách Hurun Rich - xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản ròng tối thiểu 5 tỷ nhân dân tệ (690 triệu USD), cho biết chỉ có 1.305 người đạt được ngưỡng này trong năm nay, giảm 11% so với năm ngoái. Tổng tài sản của họ là 3,5 tỷ USD, giảm 18% so với năm ngoái.
Theo danh sách, số lượng cá nhân có từ 10 tỷ USD trở lên đã giảm 29 người và số lượng tỷ phú tính theo đồng đô-la Mỹ giảm 239 người trong năm nay.
Ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm nhà nghiên cứu chính của Hurun Report, đơn vị biên soạn danh sách, cho biết: “Năm nay đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong Danh sách Người giàu Trung Quốc ở Hurun trong 24 năm qua”.
Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở Ukraine và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc , điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi các chính sách Covid cực kỳ nghiêm ngặt của nước này và sự sụt giảm tài sản kéo dài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, đây sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1980, ngoại trừ tốc độ 2,4% bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào năm 2020.
Bên cạnh đó, một cuộc đàn áp công nghệ kéo dài 2 năm đã ảnh hưởng đến các tên tuổi công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như Alibaba Group và Tencent Holdings. Lo ngại về việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hy sinh tăng trưởng kinh tế vì ý thức hệ, cũng đã đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư, khi thị trường chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc đại lục sụp đổ những tuần gần đây.
Tỷ phú Zhong Shanshan, người có các công ty niêm yết bao gồm công ty nước đóng chai Nongfu Spring và nhà phát triển vaccine Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise, đã giữ vị trí đầu tiên trong danh sách Hurun Rich trong năm thứ hai hoạt động, với tài sản tăng 17% lên 65 tỷ USD.
Người sáng lập ByteDance, công ty sở hữu TikTok, tỷ phú Zhang Yiming, đứng ở vị trí thứ hai, nhưng tài sản của ông đã giảm 28% xuống còn 35 tỷ USD do định giá của ByteDance giảm. Ở vị trí thứ ba là tỷ phú Zeng Yuqun, chủ tịch tập đoàn pin khổng lồ CATL.
Tỷ phú Yang Huiyan, nữ doanh nhân đứng sau Country Garden Holdings, giống như nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác đang phải đối mặt với các vấn đề nợ nần, đã chứng kiến khối tài sản của bà giảm 15,7 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất trong danh sách Hurun Rich năm 2022.
Người sáng lập Tencent, tỷ phú Pony Ma, công bố mức sụt giảm lớn thứ hai, khi giảm 14,6 tỷ USD trong bối cảnh giá cổ phiếu công nghệ trượt dốc, và chiếm vị trí thứ 5 trong danh sách. Người sáng lập Alibaba, Jack Ma đã tụt 4 bậc để giữ vị trí thứ 9.
Trái ngược với 2 năm trước
Tuy nhiên, vào năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc vẫn tăng chóng mặt. Theo dữ liệu của Hurun Report, 2020 là năm ghi nhận mức gia tăng tài sản lớn nhất của giới siêu giàu Trung Quốc kể từ năm 1999.
Cụ thể, theo Hurun Report, 2 năm trước, Trung Quốc có 2.303 tỷ phú siêu giàu, sở hữu tài sản từ 300 triệu USD trở lên. Trong đó, 878 người là tỷ phú đô-la, nhiều hơn nước Mỹ 178 tỷ phú.
Dữ liệu của Hurun cho thấy năm 2020, tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc tăng thêm 1.500 tỷ USD - tương đương GDP của Nga và xấp xỉ một nửa GDP của Anh.
Hurun Report cho biết 2020 cũng là năm ghi nhận mức gia tăng tài sản lớn nhất của giới siêu giàu Trung Quốc - trong suốt 22 năm danh sách này được thực hiện.
Năm 2021, mỗi tuần, Trung Quốc lại có một tỷ phú mới, nâng tổng số cá nhân siêu giàu lên hơn 750 người, nhiều hơn cả Ấn Độ, Nga, Đức cộng lại.
Không thể ngủ ngon
Nhưng trước việc Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung”, tái phân phối tài sản trong xã hội, giới giàu có Trung Quốc không thể ngủ ngon. Dù quan chức Trung Quốc đảm bảo rằng "thịnh vượng chung" không phải là "lấy của người giàu", các nhà quản lý tài sản vẫn cảnh báo nỗ lực thu hẹp khoảng cách xã hội có thể tác động không nhỏ đến những cá nhân giàu có.
Bloomberg nhận xét, giới nhà giàu Trung Quốc hiện luôn trong trạng thái phòng thủ. Nhiều người đã xoá hồ sơ trên mạng xã hội hay tìm cách gửi tiền sang nơi khác để tránh rủi ro.
Echo Zhao, chuyên gia tư vấn cho giới siêu giàu tại Công ty Luật Shanghai SF cho biết: "Vài năm trước, mọi người chỉ quan tâm tìm cách đầu tư. Giờ đây họ không còn háo hức nắm bắt cơ hội".
Trước tình hình mới, các nhà quản lý tài sản cho biết, bước đầu tiên của giới siêu giàu là cố gắng tránh sự chú ý của dư luận, đặc biệt là trên mạng xã hội. Một cố vấn tài chính cho biết, các khách hàng Trung Quốc đang ngày càng rời xa các mạng xã hội, bao gồm Weibo, một nền tảng tương tự như Twitter. Họ cũng từ chối các cuộc phỏng vấn với truyền thông.
Bên cạnh đó, người giàu Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động chuyển tiền. Đây vốn không phải là điều quá xa lạ với giới này. Bởi Trung Quốc vốn thắt chặt quản lý ngoại tệ khi mỗi người dân chỉ được nắm 50.000 USD khiến người giàu tìm cách cất trữ tiền ở nước ngoài.
Ông Adrian Zuercher, chuyên gia đại diện UBS Global Wealth Management nói rằng, mục tiêu "thịnh vượng chung" mang lại sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư trong nước.
"Chúng tôi khuyên khách hàng xem xét các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi do chính sách chú trọng đổi mới, công nghệ xanh như năng lượng tái tạo hay xe điện thay vì những lĩnh vực ít mang tính chiến lược của quốc gia", ông Zuercher nói.
Các đơn vị tư vấn cũng đề xuất khách hàng Trung Quốc hướng đến thị trường nước ngoài. Hiện danh mục tài sản, đầu tư của họ đang giữ phần lớn ở trong nước với tỷ lệ 30-50%. Theo đó, việc đầu tư ra nước ngoài có thể xem là hàng rào phòng vệ trước những cú sốc về kinh tế trong nước cũng như các vấn đề của thị trường bất động sản.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm