Thị trường hàng hóa
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023.
Giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu/m2) cũng sụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27% với nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có giá 40-50 triệu đồng/m2.
Trong khi, nhu cầu mua nhà ở thực luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng 80%, còn lại 15% là cầu đầu tư dài hạn và 5% là nhu cầu đầu cơ. Và chỉ có khoảng 25% nhu cầu mua nhà ở thực có khả năng tài chính để chuyển hóa thành cầu thực.
Trước bối cảnh đó, VARS cho rằng, cùng với loại hình nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ là xu hướng phát triển chính, mạnh mẽ trên thị trường bất động sản trong giai đoạn sắp tới. Bởi đây là phân khúc xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tế của đại đa số người dân.
Mặc dù khó để phát triển dự án căn hộ với mức giá này, đặc biệt là ở các đô thị có nhu cầu cao, nhưng VARS tin rằng với sự hợp tác và nỗ lực từ hệ thống thị trường và chính sách nhà ở, loại hình nhà ở vừa túi tiền vẫn có thể phát triển.
Theo VARS, Nhà nước cần định nghĩa chính thức "nhà ở vừa túi tiền" và áp dụng chính sách ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho thu nhập trung bình. Cụ thể là các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng "sức mua" hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ, và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự. Hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành các dự án hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó tăng cường đầu tư và mở rộng hạ tầng giao thông. Khi khoảng cách không còn là vấn đề lớn cần cân nhắc khi mua nhà thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực lõi trung tâm sang ven đô là tất yếu. Học tập kinh nghiệm quốc tế giúp rút ngắn quá trình phát triển và đạt được mục tiêu nhanh chóng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm