Thị trường hàng hóa
Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là một khái niệm tương đối mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Song, kể từ khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cũng như những chuyển dịch nhanh chóng của thị trường quốc tế theo xu hướng kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn, ESG đã và đang trở thành xu hướng chủ đạo và ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp.
“Chúng ta đều biết rằng ESG là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Nó bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, ESG đóng vai trò quan trọng giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp cam kết, hành động cũng như các rủi ro liên quan, các nỗ lực đã thực hiện và các kết quả thu được về bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội và quản trị”- ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết.
Tuy nhiên, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng đối với ESG tại Việt Nam của PwC Vietnam thực hiện khảo sát tại 234 đại diện doanh nghiệp và được công bố gần đây cho thấy, mặc dù 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã cam kết các nội dung ESG hoặc lên kế hoạch thực hiện trong 2-4 năm tới. Song vẫn có tới 71% doanh nghiệp chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo; 70% không có hoặc rất ít khi công bố báo cáo ESG ra bên ngoài; 64% các doanh nghiệp chưa có xác thực mức độ công bố thông tin ESG bởi đối tác bên ngoài.
Dù vậy, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt sau cam kết của Việt Nam tại COP 26, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đã dần quan tâm tới ESG và thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã xây dựng và công bố Báo cáo phát triển bền vững như Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn PAN Group... Đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng đã công bố báo cáo phát triển bền vững ở các mức độ chi tiết khác nhau; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện ESG.
Trong đó, với doanh nghiệp niêm yết, PAN Group là một ví dụ. Theo đó, doanh nghiệp này đã áp dụng những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt như ASC, BAP, Global GAP cho các vùng nuôi thủy sản; Ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong trồng trọt như SRI để giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai; Cải tiến các công nghệ chế biến, kỹ thuật sản xuất trong thực phẩm để giảm rác thải, phát thải ra môi trường như chuyển đổi sang công nghệ hấp hạt điều không độc hại, hay áp dụng MFCA trong sản xuất bánh kẹo, áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội như BSCI, SEDEX...
Việc theo đuổi thực hành tốt ESG đã tạo lợi thế cạnh tranh giúp PAN đạt kết quả tốt trong kinh doanh khi doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 13.655 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 47,6% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 794 tỷ đồng, tăng 55,3% so với thực hiện trong năm 2021.
Với doanh nghiệp nhà nước, PVN là một ví dụ điển hình cho thực hành tốt ESG. Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, tại PVN, ba yếu tố môi trường, xã hội, quản trị được ban lãnh đạo xem xét với trọng số như nhau vì Tập đoàn hiểu và đánh giá khi xem xét cả ba yếu tố này, kết quả hoạt động kinh doanh dài hạn tốt hơn. PVN cũng thiết lập cơ cấu quản trị ESG.
“Đối với PVN, trong thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định chuyển dịch năng lượng là quá trình phát triển tất yếu. Do vậy, ngoài cơ cấu tổ chức đã được thiết lập để quản trị tốt ESG bao gồm Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, các ban chuyên môn, chúng tôi đã thành lập các Ban chỉ đạo liên quan khác gồm Ban chỉ đạo chuyển dịch năng lượng do Tổng giám đốc Tập đoàn làm trưởng ban, Tổng giám đốc các đơn vị là thành viên. PVN cũng đã thành lập Tổ quản lý rủi ro với chức năng nhiệm vụ nhận diện, đánh giá và cảnh báo các rủi ro về tài chính, pháp lý, môi trường, quản trị trong quá trình hoạt động của PVN cũng như đề ra các biện pháp kiểm soát phòng ngừa, khắc phục hậu quả (nếu có)”- ông Hoàng Quốc Vượng thông tin.
Về quản trị, Tập đoàn đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ phê duyệt. Đề án tái cơ cấu được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển Tập đoàn tầm nhìn đến năm 2045. Việc tái cơ cấu cũng sẽ xử lý các tồn tại, rủi ro, các yếu tố không mang lại hiệu quả hiện nay, giúp định hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Vượng, để triển khai, Tập đoàn đã đặt ra các giải pháp sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý phù hợp; kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động của PVN; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp; thựchiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tính dự báo; xây dựng chuỗi giá trị; tái cơ cấu doanh nghiệp kém hiệu quả.
Nhờ vậy, năm 2022 dù trong bối cảnh kinh tế nói chung có nhiều thách thức song tổng doanh thu toàn Tập đoàn vẫn đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 và là mức kỷ lục trong 61 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn.
“ESG không chỉ dừng lại ở cam kết, hành động và báo cáo mà còn là hoạch định tương lai và quản lý rủi ro. Thông qua quá trình tự đánh giá, chúng tôi hiểu rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó những nội dung quan trọng như: Ttiếp tục hoàn thiện chiến lược về ESG song song với việc hoàn thiện Chiến lược phát triển của Tập đoàn; liên tục cải tiến bộ máy quản trị ESG phù hợp để xây dựng các chỉ tiêu ESG cụ thể và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã thiết lập; tiếp tục đánh giá, lựa chọn các vấn đề trọng yếu và công bố thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy…”- ông Vượng chia sẻ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm