Thị trường hàng hóa
Ngày nào cũng vậy, cô giáo Phạm Thị Thiêm, Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã phải thức dậy từ 5 giờ sáng, khi trời còn mờ hơi sương. Nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc, cô Thiêm vượt hơn 10km để kịp giờ lên điểm bản Huổi Anh. Tại đây, cô Thiêm cùng một giáo viên khác đang phụ trách 1 lớp ghép (3 + 4 + 5), với 28 học sinh.
Cô Thiêm tâm sự, vì có 2 người nên các cô thay nhau chia theo 2 hướng. Một người lên thẳng điểm bản để kịp giờ đón trò và làm công tác chuẩn bị. Cô còn lại lên trường trung tâm nhận thực phẩm để mang về bản nấu bữa trưa cho học sinh.
“Cứ đặt chân đến lớp là đầu tắt mặt tối cả ngày luôn. Đầu tiên là thổi lửa đun nước cho cả chục học sinh. Tổ chức các hoạt động dạy học, vui chơi đến khoảng 9 giờ 30 phút là phải tranh thủ nấu thức ăn cho các con rồi. Cho ăn, dỗ ngủ xong cho trẻ cũng quá bữa. Trưa nào giáo viên cũng phải ăn vội rồi lại quay ra dọn dẹp, rửa bát để chiều kịp giờ lên lớp, gần như không được nghỉ”, cô Thiêm giãi bày.
Cũng theo cô Thiêm, lúc nông nhàn còn đỡ, chứ mỗi dịp đến mùa đi nương, đồng bào mang con em đến gửi từ lúc 6 giờ, đòi hỏi giáo viên phải đến sớm. Nhiều hôm bận mải, có phụ huynh thậm chí còn quên cả đón con. Bởi vậy, mặc dù có 2 người thay nhau, nhưng ngày nào các cô cũng phải đánh vật với cả "núi" việc.
Còn theo cô giáo Chu Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Yên (huyện Điện Biên) thì thực trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay khiến cho giáo viên mầm non vùng khó càng thêm vất vả.
“Trên thực tế, trách nhiệm, khối lượng công việc của giáo viên mầm non phải đảm nhiệm hàng ngày rất lớn. Nhiều cô phải mang việc trường về nhà, làm thêm giờ, dạy tất cả các môn học bao gồm: Thể dục, âm nhạc và môn đặc thù...”, cô Yến cho hay.
Với thực tế này, ngoài các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về biên chế giáo viên, thì cô Yến cũng cho rằng về lâu dài cần giảm độ tuổi về hưu xuống còn 55 tuổi. “Các cô giáo lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm và có thể vẫn còn nhiệt huyết, song đặc thù công việc vất vả như thế thì khó lòng đáp ứng. Nếu áp lực quá thì không thể toàn tâm, toàn ý dạy dỗ, chăm sóc tốt cho trẻ được”, cô Yến nói.
Cũng với suy nghĩ trên, theo cô giáo Phạm Thị Thiêm tâm sự, bản thân mới ra trường được 3 năm, còn rất trẻ nên sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, cô Thiêm thẳng thắn thừa nhận: “Nếu ngoài 50 tuổi vẫn còn làm việc như này thì tôi nghĩ khó lòng đáp ứng được”.
Cô giáo Tòng Thị Nọi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Khoa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) cũng tỏ ra lo ngại khi nhắc đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đặc biệt là ở vùng khó. Cô Nọi bày tỏ: “Với các cấp học lớn hơn thì đỡ, nhưng riêng mầm non, lại ở vùng khó thì tôi nghĩ độ tuổi nghỉ hưu phù hợp nhất là 50 tuổi”.
Theo cô Nọi phân tích, điều lo lắng nhất đối với giáo viên lớn tuổi là không đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt là trong việc di chuyển. Riêng tại Trường Mầm non Nà Khoa, hiện có 10 điểm bản. Bình quân các điểm đều cách trường trung tâm từ vài cây số, điểm xa nhất gần 30km.
“100% đường giao thông ở đây là đất và cấp phối, đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Chưa kể nhiều điểm phải đi đường núi cheo leo, hiểm trở, rất nguy hiểm. Giáo viên nhà trường đều còn trẻ mà nhiều lần đi điểm trường chúng tôi còn nơm nớp lo sợ thì lớn tuổi làm sao có thể đi lại, di chuyển thường xuyên”, cô Nọi trăn trở.
Theo cô Nọi chia sẻ, Trường Mầm non Nà Khoa hiện có 30 giáo viên, đa phần còn trẻ tuổi. Hiện giáo viên lớn tuổi nhất chưa đến 40. Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí giáo viên giữa các điểm bản đã gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các cô nghỉ chế độ thai sản, mang bầu, con nhỏ… cần được ưu tiên.
“Nếu có giáo viên lớn tuổi nữa thì chúng tôi không biết sắp xếp như nào. Bởi không thể để người ngoài 50 tuổi rồi còn hàng ngày rong ruổi vài chục cây số đường rừng đi dạy được”, cô Nọi nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm