Thị trường hàng hóa
Ưu tiên phát triển năng lượng sạch trong thời gian tới
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành mới đây nêu rõ “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Như vậy, trong thời gian tới, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển và đẩy mạnh. Đây chính là cơ hội lớn dành cho các start-up trẻ ứng dụng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở, phát triển những dự án, giải pháp về năng lượng sạch.
Mới đây, tại Tp HCM đã diễn ra chương trình gặp gỡ Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khuôn khổ Dự án An ninh năng lượng đô thị do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Tham dự buổi gặp gỡ có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, vườn ươm và nhiều tổ chức quan tâm đến các giải pháp năng lượng phân tán.
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Saigon Innovation Hub - SiHUB), chia sẻ: Thời gian vừa qua tại Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do mạng lưới hạ tầng điện đang bội thực nên năng lượng mặt trời bị ngưng sử dụng. Cơ hội tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực là rất lớn. Do đó, các start-up có thể quan tâm, sáng tạo những giải pháp cắt giảm năng lượng, tập trung ở hai giải pháp quản trị và công nghệ.
Bà Võ Phương Quỳnh - Giám đốc chương trình Zone Startup Vietnam cũng đang tìm đối tác để phát triển năng lượng sạch. Theo chia sẻ của bà Phương Quỳnh, hiện công ty đang tìm kiếm nhưng rất khó kiếm được những công ty nhất là start-up về năng lượng sạch ở Việt Nam.
Chương trình The Exchange là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID tài trợ nhằm thúc đẩy ĐMST. Chỉ sau gần 7 tháng thực hiện, chương trình đã thu hút sự tham gia của 5 đối tác doanh nghiệp, với 5 thử thách để 7 start-up tham gia giải quyết.
Dự kiến, các đề xuất thí điểm của các start-up trẻ sẽ được hỗ trợ từ Quỹ thách thức ĐMST để triển khai tại TP.HCM và Đà Nẵng. Thông qua cuộc gặp gỡ lần này, chương trình The Exchange 2 cũng chính thức được khởi động. Chương trình, dự kiến kéo dài đến tháng 9/2022. Mục tiêu của The Exchange 2 là kết nối được 15 công ty cùng 18 start-up và 15 giải pháp thí điểm tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Như vậy, có thể thấy rõ rệt những cơ hội mới dành cho các start-up trẻ với sự đồng hành, hỗ trợ của USAID, thực hiện các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết những vấn đề về năng lượng và môi trường đô thị ở TP.HCM và Việt Nam nói chung.
Theo dự báo của các chuyên gia, khởi nghiệp năng lượng tái tạo vẫn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tới. Các dự án năng lượng sạch chưa chắc chắn được thời gian hoạt động thương mại nên việc tìm nhà đầu tư gặp không ít trở ngại.
Thực tế, nhiều công trình vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng hoặc chưa có trang thiết bị phù hợp. Thêm nữa, năm 2019-2020, cũng xuất hiện nhiều khó khăn trong việc xây dựng biểu giá FiT năng lượng mặt trời, khi chưa thể thống nhất giá bán năng lượng thì các nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm.
Dù việc phát triển năng lượng sạch được chính phủ ưu tiên nhưng vẫn chưa có cơ chế cụ thể về việc đấu thầu dự án. Do đó, các nhà đầu tư còn e ngại khi lợi ích của họ chưa được đảm bảo. Nếu có những thay đổi mới về cơ chế hoặc đấu giá thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư. Do đó, các start-up khó tìm được nhà đầu tư đồng hành cùng mình trong việc xây dựng dự án năng lượng sạch.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN