Thị trường hàng hóa
Thị trường rộng mở
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo đà mạnh mẽ cho ngành dịch vụ logistics phát triển, do kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, nhờ được hỗ trợ từ các chính sách kích thích tăng trưởng. Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm sóat hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ đang là động lực cho kinh tế khôi phục và phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tận dụng 15 FTA đang thực hiện, nhất là CPTTP, EVFTA và RCEP, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao cùng với dòng vốn đầu tư FDI khôi phục ngoạn mục. Đây là cơ hội để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số đang tiến triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong các nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Qua đó tạo điều kiện cho e-logistics phát triển.
Logistics “xanh” sẽ dẫn dắt sự chuyển đổi của các chuỗi cung ứng. Những ưu tiên trong lĩnh vực logistics sẽ được cụ thể hóa bởi sử dụng xe điện và năng lượng mặt trời, bao bì sinh học tự phân hủy, nhà kho thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải carbon. Quy hoạch chuỗi cung ứng thông minh thân thiện với môi trường sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Theo VLA, thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính đạt 61,83 tỷ USD, và chiếm 3,5% dân số có việc làm. Chi phí Logistics so sánh với GDP của Việt Nam đang ở mức 16,80% so với bình quân thế giới là 10,70%. Tính trong ASEAN, Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,50%, Malaysia 13,00% và Thái Lan là 15,50%.
Tính chung cả năm 2021, khối lượng vận chuyển hàng hóa của nước ta ước tính đạt 1,62 tỷ tấn, giảm 8,7% so với năm 2020. Hiện nay vận chuyển hàng hóa trong nước chiếm tỷ trọng chính khoảng 98,81%, trong khi vận tải ngoài nước chỉ chiếm 1,19%. Vận chuyển bằng đường sắt, đường biển và đường hàng không tăng lần lượt là 8,5%, 3,3% và 4,2%. Ngược lại vận chuyển bằng đường thủy nội địa giảm 6,4%, còn vận chuyển bằng đường bộ giảm 10,1%.
Đáng lưu ý, do đại dịch Covid-19, vận tải biển gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân công, sự tắc nghẽn tại các cảng biển, thiều container rỗng... dẫn đến giá cước tăng không kiểm soát, cho nên vận tải hàng không được hưởng lợi từ nguồn hàng đường biển chuyển sang hàng không. Tỷ trọng các phương thức vận tải trong năm 2021, đường bộ vẫn chiếm tới 74,91% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, đứng thứ hai là đường thủy nội địa chiếm 19,47%, đường biển chiếm 5,25%, đường sắt 0,35% và đường hàng không 0,02%.
Chính điều này tạo nên sự bùng nổ về thị trường vận tải hàng không từ đầu năm 2021 đến nay, dẫn đến sự tăng trưởng hàng quốc tế tại Việt Nam tới 20% so với năm 2020 và tăng 19% so với năm 2019, khi chưa có đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp hứng khởi đón đầu
Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Century Logistics cho rằng, nhu cầu đối với dịch vụ logistics sẽ khả quan hơn trong năm 2022 do nền kinh tế toàn cầu dự báo đạt được mức tăng trưởng cao hơn trước. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu đã trở lại, sau thời gian dài ách tắc bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn dành sự quan tâm rất lớn tới sự phát triển của ngành logistics khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ định hướng như: Triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035 tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương xây dựng Quy hoạch logistics vùng kinh tế trọng điểm, kết nối hạ tầng và hoạt động logistics...
Ông Sơn cho biết thêm, về tiềm năng giành cho các doanh nghiệp logistics nói chung và Century Logistics nói riêng là rất lớn. Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được niềm tin nơi khách hàng. Century Logistics do ông Sơn làm chủ kinh doanh với khẩu hiệu: “Your cargo, Our property - Hàng hóa của quý khách là tài sản của công ty”, cùng với uy tín, sự am hiểu thị trường nên đã may mắn đón nhận sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Century Logistics được thành lập từ năm 2009 và từ đó đến nay vẫn không ngừng cải tiến, phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Century Logistics hiện có các dịch vụ như: Vận chuyển hàng hóa đường biển; Vận chuyển hàng hóa đường hàng không; Khai báo hải quan; Hàng chuyển phát nhanh; Vận tải nội địa; Vận chuyển hàng đi Lào, Campuchia, Trung Quốc và ngược lại; Kho bãi và đóng gói; Đại lý bảo hiểm hàng hóa; Xuất nhập khẩu ủy thác và đại diện thương mại. Hiện tại, Century Logistics đang tập trung phát triển thêm mảng kho bãi để tận dụng lượng khách hàng sẵn có; Đồng thời kết nối hợp tác thêm với các đối tác nước ngoài để cùng phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này…
Mới đây, Việt Nam đã tăng 3 bậc về chỉ số logistics, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 thị trường mới nổi, theo Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố. Vì thế, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục kỳ vọng Việt Nam như trung tâm logistics toàn cầu, nên đã rót nhiều vốn vào để… đón đầu.
Rõ ràng, cơ hội phát triển ngành dịch vụ logistcs là rất lớn, nhưng trước mắt Việt Nam vẫn cần khắc phục những điểm yếu tồn tại lâu nay như: Chính sách, thủ tục, thông lệ hải quan rườm rà, áp dụng thiếu nhất quán. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế, dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước. Hoạt động của chính các doanh nghiệp vận tải Logistics còn nhiều hạn chế, cả về quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực. Rủi ro thu hẹp thị phần của doanh nghiệp trong nước do phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN