Thị trường hàng hóa
Đối với bất kỳ ai có niềm đam mê từ khiêu vũ, nấu ăn cho đến các công thức tính bảng Excel, TikTok đều là nơi dành cho họ. Ứng dụng video dạng ngắn, thuộc sở hữu của Trung Quốc đã nổi lên như một nền tảng toàn cầu, dễ tiếp cận và vui nhộn. Nó đang giúp hơn 1 tỷ người dùng trên thế giới thỏa mãn mọi đam mê, tìm ra những người cùng chí hướng và đôi khi chỉ là để kiếm tiền.
Đối với những người theo chủ nghĩa thuyết âm mưu, nền tảng giải trí của Trung Quốc có thể nhằm mục đích thao túng dư luận, cũng như có thể có những mục đích địa chính trị khác. Dù đúng sai thế nào, thì thực tế đã và đang có nhiều quốc gia phản ứng mạnh mẽ chống lại TikTok.
Vào tháng 6 năm 2020, Ấn Độ đã cấm TikTok sau một cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc, cắt 200 triệu người dùng nước này khỏi dịch vụ. Tháng sau, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump cũng dọa sẽ cấm TikTok vì lo ngại về an ninh quốc gia - nhưng đã không tái đắc cử để có thể thực thi kế hoạch. Tháng này, quốc hội Anh đã đóng cửa tài khoản TikTok của chính mình vì lo ngại rò rỉ dữ liệu.
Và trong khi nhiều người lo lắng về việc liệu TikTok có quá nhảm nhí hoặc quá đe dọa hay không, thì có một sự thật là nó đã trở thành một hiện tượng kinh doanh và văn hóa đặc biệt ở hơn 150 quốc gia trên thế giới.
Báo cáo mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy TikTok đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Mỹ. Khoảng 67% những người được khảo sát cho biết họ đã sử dụng TikTok, so với chỉ 32% đối với Facebook. “TikTok không chỉ là một chủ nghĩa nhất thời”, Jessica Lessin, người sáng lập trang công nghệ The Information, nhận xét.
Để trở thành ứng dụng thú vị nhất dành cho giới trẻ, TikTok đánh bại rất nhiều các đối thủ ở phương Tây. Trước khi nền tảng này xuất hiện, Twitter đã không tận dụng thành công Vine, một công cụ video dạng ngắn giống như thế mạnh mà TikTok đang phát huy. Facebook, Instagram và Snap cũng đã tỏ ra lép vế trước sức mạnh công nghệ mà TikTok đã và đang thể hiện.
Thậm chí, theo báo cáo lưu lượng truy cập toàn cầu của Cloudflare, năm ngoái TikTok.com đã vượt qua Google.com để trở thành tên miền Internet phổ biến nhất thế giới, qua đó có thể xem đang ở vị trí thống trị trong thế giới ảo.
Có lẽ có hai lý do giải thích cho sự trỗi dậy của TikTok. Đầu tiên, nền tảng này cực kỳ dễ sử dụng và rất dễ gây nghiện. Với các công cụ và bộ lọc của mình, ứng dụng của TikTok cho phép người dùng tạo các video ngắn, từ 15 giây đến 10 phút, giúp họ kiếm tiền từ nội dung của mình bằng cách thúc đẩy quảng cáo theo cách của họ.
Ngay cả một cựu nhà thầu kinh doanh đến từ tạp chí danh giá Financial Times, người có vẻ ngoài kỳ lạ giống như nam diễn viên Benedict Cumberbatch, đã có được 4,5 triệu người theo dõi TikTok, chỉ bằng cách đóng vai nhân vật Dr Strange trong serie phim Marvel của Mỹ.
Thứ hai, TikTok quảng cáo video thông qua biểu đồ nội dung thay vì biểu đồ xã hội như thường được sử dụng bởi các nền tảng khác. Nói cách khác, các thuật toán AI của TikTok sẽ quảng bá nội dung cho những người dùng có cùng sở thích, chứ không chỉ là những chủ đề đang được lan truyền nhiều trên mạng. Về lý thuyết, TikTok đáp ứng được hầu hết mọi đối tượng người sử dụng, dù họ ở độ tuổi nào, có tư tưởng, lối sống và sở thích như thế nào.
Với sự phát triển quá mạnh, nhanh và có thể nói quá tự do, TikTok đã và đang ngày càng gặp phải một số vấn đề tương tự như các nền tảng của Mỹ. Nền tảng mạng xã hội này đã bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch, ảnh hưởng tới nền tảng dân chủ ở Colombia, Kenya, Pháp, Mỹ và các nơi khác.
Đặc biệt trong cuộc chiến ở Ukraine, TikTok cho biết họ triển khai các công cụ AI và sử dụng “hàng nghìn” người kiểm duyệt trên khắp thế giới để thực thi các nguyên tắc nội dung nghiêm ngặt về chủ đề này.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với TikTok, liệu điều này có thực sự đáng lo ngại? ByteDance, công ty mẹ của TikTok thực ra là một công ty tư nhân, có giá trị 180 tỷ USD vào tháng 12 năm 2020. Họ cũng đã thể hiện sự cam kết với quốc tế bằng cách tạo ra một cấu trúc công ty riêng biệt có trụ sở tại Singapore.
TikTok cho biết tất cả máy chủ dữ liệu người dùng quốc tế của họ đều được lưu giữ ở Mỹ và Singapore, và từ năm 2023 sẽ có thêm ở Ireland. Công ty khẳng định không có luồng dữ liệu cá nhân nào đến chính phủ Trung Quốc, cũng như sẽ không cấp cho chính quyền quyền truy cập vào dữ liệu đó ngay cả khi được yêu cầu.
Trong cuốn sách được nghiên cứu kỹ lưỡng của mình có tiêu đề “TikTok Boom”, chuyên gia công nghệ nổi tiếng Chris Stokel-Walker đã điều tra những tuyên bố này. Ông không tìm thấy bằng chứng cho việc rò rỉ dữ liệu cá nhân có hệ thống. Dù rằng các kỹ sư ở Trung Quốc đã truy cập một số dữ liệu để kiểm tra các thuật toán hoặc phát hiện các cuộc tấn công của bot chẳng hạn.
Ông kết luận: “TikTok không phải là một tế bào trên mạng xã hội mà có thể bị kích hoạt từ xa trên hàng triệu điện thoại của người phương Tây. Thực tế ở đây không có lừa dối lớn, mà thay vào đó là một lời nói dối nhỏ".
Ngay cả khi kết luận đó là đúng, nó cũng có thể không giúp ích gì. Một số thượng nghị sĩ Mỹ vẫn cho rằng TikTok là công cụ quyền lực mềm của Trung Quốc. Công ty này có nguy cơ vẫn phải chịu chung số phận như Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Dù kết quả thế nào, TikTok cũng đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển của không gian mạng. Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đã thống trị các chuẩn mực, giá trị và cách ứng xử của người dùng Internet. Nhưng giờ sự nổi lên của TikTok đã cho thấy rằng một tương lai sẽ có nhiều sự cạnh tranh, đa cực hơn trong thế giới ảo.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN