Thị trường hàng hóa
Lợi nhuận trung bình năm 2022 khoảng 11%
Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Công ty Chứng khoán VnDriect nhận định: "Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ năm 2022, ước tính tỷ suất lợi nhuận trên giá của VN-Index khoảng 9,3%. Cùng với tỷ suất cổ tức 1,7%, lợi suất thu nhập thị trường ước tính khoảng 11%, vẫn ở mức hấp dẫn so với lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại (bình quân ở mức 6,4-6,5% vào cuối năm 2022)".
VnDriect cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong trạng thái tích cực. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt dự báo ở mức 8,8% so với cùng kỳ. Dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 7,8% và năm 2023 ở mức 6,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến Việt Nam như: Fed đưa ra thông điệp “diều hâu” về việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm; lạm phát của Mỹ và nhiều quốc gia hạ nhiệt nhưng khó có thể giảm xuống mức bình thường vào cuối năm 2022; chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn giữ ở mức cao...
Trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành khiến mặt bằng lãi suất tăng cao. VnDirect kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ không tăng thêm trong năm 2022. Mức tăng 100 điểm lần này đã chuẩn bị cho việc Fed tăng lãi suất điều hành thêm 125-150 điểm vào cuối năm 2022.
Trong năm 2023, công ty này dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong 2 quý đầu của năm để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tỷ giá. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại có thể neo cao ở mức 6,4-6,5%/năm (mức bình quân) vào cuối năm 2022, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 40-50 điểm cơ bản. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại dự đoán lên mức 6,8- 7%/năm (mức bình quân) vào cuối năm 2023. Đà tăng của lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng 60-100 điểm cơ bản trong năm 2023.
VnDirect cũng chỉ ra rằng, rủi ro hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, chi phí nợ vay tăng và nhu cầu toàn cầu giảm có thể làm giảm triển vọng lợi nhuận của các công ty có đòn bẩy tài chính cao trong những quý tới.
Đơn vị này duy trì dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong 2022; hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2023 sau khi kết quả kinh doanh quý III năm nay được công bố.
Vùng 1.110 điểm quyết định xu hướng vận động của VN-Index trong tháng 10
Trong ngắn hạn, SSI Research duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của Fed vào tháng 11.
Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá.
Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân. Định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 11,7 lần vào ngày 3/10 đang dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020. Trong khi đó, P/E ước tính năm 2022 cho chỉ số hiện ở mức 10,2 lần. Với yếu tố tích cực này, SSI kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra.
Từ góc nhìn kỹ thuật, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng vận động của VN-Index trong tháng 10 sẽ được quyết định bởi vùng quan sát quan trọng 1.100 điểm.
Nếu duy trì ổn định được trên vùng này, nhiều khả năng VN-Index sẽ hình thành một nhịp hồi phục với vùng mục tiêu 1.142 – 1.150 điểm (vùng đáy ngắn hạn tháng 7). Ngược lại, khi mốc 1.100 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể sẽ tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại từ nền hỗ trợ cứng 1.025 – 1.000 điểm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm