Thị trường hàng hóa
Dựa trên phân tích xu hướng thị trường hiện tại, dưới đây là một số ngành kinh doanh hấp dẫn năm 2024:
Công nghệ thông tin
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã thống nhất lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Vì thế, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường sẽ làm tăng mạnh nhu cầu về các giải pháp công nghệ thông tin như quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP), an ninh mạng...
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến, quản lý kho hàng, quảng cáo, tiếp thị trực tuyến... Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghệ thông tin như ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này. Có thể dự báo rằng, ngành công nghệ thông tin sẽ trở thành một trong những ngành nghề kinh doanh đáng đầu tư trong năm nay.
Y tế
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để lại nhiều hệ lụy và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường,... đang ngày càng phổ biến, vai trò của ngành y tế trong việc chẩn đoán, điều trị sức khỏe, điều trị tâm lý, chăm sóc bệnh nhân, phục hồi chức năng… càng trở nên quan trọng và tiềm năng hơn bao giờ hết.
Không những thế, dân số Việt Nam hiện nay chiếm 1,25% dân số thế giới, với 12% dân số trong độ tuổi trên 60. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 18% và đến năm 2050 đạt trên 30%. Xu hướng già hóa dân số tại Việt Nam và toàn hế giới sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế tại nhà, trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi, viện dưỡng lão,...
Xã hội phát triển, mức sống càng cao đồng nghĩa với việc người dân tăng thêm nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình bằng những dịch vụ y tế chất lượng cao; làm đẹp, thẩm mỹ bằng những công nghệ tiên tiến. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị y tế cũng được cải tiến, đổi mới không ngừng. Nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, hiệu quả hơn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thu hút người bệnh.
Ngành y tế đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư bằng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển như khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế, miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường y tế.
Năng lượng tái tạo
Vừa qua, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024 đã diễn ra với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Bộ trưởng nêu rõ: “Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn”.
Hiện tại, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện gió, điện mặt trời, biogas,...
Vì thế, ngành năng lượng tái tạo là cơ hội tốt cho những nhà kinh doanh muốn phát triển. Đó là những ngành: Sản xuất và lắp đặt hệ thống điện mặt trời, kinh doanh thiết bị năng lượng tái tạo, điều hành dịch vụ quản lý năng lượng, kinh doanh sản xuất nhiên liệu sinh học.
Du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Thống kê cho thấy sau dịch, xu hướng du lịch của du khách cũng có sự thay đổi. Du khách ngày càng ưa chuộng những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, hướng đến sự kết hợp giữa du lịch và khám phá văn hóa, thiên nhiên. Xu hướng du lịch bền vững, thân thiện với môi trường cũng ngày càng được quan tâm, thu hút du khách yêu thiên nhiên. Các loại hình du lịch mới cũng được xây dựng để phù hợp với nhu cầu phong phú đa dạng của các du khách như: điểm đến có dịch vụ spa, yoga, thiền định dành cho du khách quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, tinh thần; điểm đến là vùng đất hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm các hoạt động mạo hiểm, thử thách bản thân; điểm du lịch văn hoá cho du khách muốn tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc trưng; điểm du lịch kết hợp không gian làm việc cho du khách muốn tận hưởng không gian học tập, làm việc mới mẻ và truyền cảm hứng.
Bên cạnh đó, Việt Nam ta sở hữu vị trí địa lý đắc địa, khí hậu đa dạng với nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo, thích hợp để xây dựng phát triển nhiều loại hình du lịch mới theo xu hướng thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam cũng đang được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, năng động, am hiểu văn hóa và được đào tạo bài bản về du lịch là một ưu điểm cho ngành kinh doanh du lịch. Nhiều chính sách ưu đãi cũng được nhà nước ban hành nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tiềm năng bùng nổ của ngành này được dự đoán sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa, mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm