Thị trường hàng hóa
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng xâm nhập, tác động mạnh mẽ đến đời sống báo chí. Không thể phủ nhận ngành công nghệ đang thay đổi cách tạo ra tin tức thông qua các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Vậy sự xuất hiện của AI liệu có đặt dấu chấm hết cho ngành báo chí hay không hay sẽ tồn tại một mối quan hệ thế nào giữa chúng. Chuyên đề dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả câu trả lời cho vấn đề này.
Không lâu sau khi làn sóng trí tuệ nhân tạo bùng nổ hồi đầu năm nay với sự xuất hiện của chatbot ChatGPT, sau đó là một cuộc chạy đua vũ trang AI rầm rộ giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, hãng thống kê Goldman Sachs đã đưa ra một dự báo là AI sẽ ảnh hưởng tới 300 triệu việc làm trên thế giới.
Trong khi đó, theo Mustafa Suleyman - một trong những đồng sáng lập công ty tiên phong trong kỷ nguyên AI là DeepMind thì những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ đe dọa những người làm việc văn phòng, kỹ thuật và tạo ra “một số lượng lớn người thất bại mới” trong thập kỷ tới.
Có nghĩa, về cơ bản AI sẽ lấy đi một phần không nhỏ việc làm trong mọi ngành nghề. Và báo chí sẽ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng sớm và nhiều nhất bởi AI, do sự liên quan lớn với nhau; giống như khi internet và sau đó làn sóng mạng xã hội xuất hiện, báo chí đã liên tục phải thay đổi toàn diện chỉ trong vòng một thời gian ngắn.
Thậm chí, với nhiều chuyên gia chỉ trong vài năm tới, người ta sẽ không còn nhận ra đã từng có một nền báo chí như hiện nay, giống như khi chúng ta lúc này nhìn về kỷ nguyên báo in vốn vẫn còn ở đỉnh cao khoảng 10 năm về trước, nhưng giờ ngay cả những tờ báo in hàng đầu thế giới cũng đang đi đến những số báo cuối cùng.
Tuy nhiên, điều đáng lo về AI không phải vì công nghệ đột phá này sẽ làm thay đổi đời sống báo chí một lần nữa, mà là như lời phát biểu mới đây của tỷ phú truyền thông Barry Diller: Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ chứng minh tính “phá hoại” nghiêm trọng đối với báo chí, trừ khi các tổ chức tin tức có thể sử dụng luật bản quyền để chống lại những kẻ sử dụng công nghệ này để trục lợi.
Cụ thể, khi phát biểu tại một hội nghị toàn cầu về báo chí ở London hồi tháng 5 năm nay, Diller nói rằng việc tự do cho phép AI truy cập vào nội dung truyền thông sẽ là một sai lầm và khái niệm “sử dụng hợp pháp” - có thể được sử dụng để che đậy tài liệu có bản quyền - cần được xác định lại.
Có nghĩa, AI sẽ hóa thân thành hệ thống “đạo văn” siêu tinh vi, sẽ lấy đi công sức của báo chí và biến các sản phẩm đó thành của mình chỉ trong tích tắc. Các nội dung bị “đánh cắp” sẽ được AI “xào nấu” theo dạng thông tin tổng hợp, mà không phải trả chi phí, đặc biệt chẳng giúp ích gì cho báo chí hay chịu một sự trừng phạt nào.
Thực tế, các nhóm truyền thông lớn trên thế giới ngày càng lo ngại về việc sử dụng các ấn phẩm của họ làm cơ sở để huấn luyện các công cụ AI tổng quát. CEO của News Corp, Robert Thomson cho biết đầu năm nay rằng tập đoàn này đã tìm kiếm khoản bồi thường tài chính từ một công ty AI vì đã sử dụng nội dung “độc quyền” của họ.
Nhưng rõ ràng, đó sẽ là một hành trình dài, đầy chông gai và cần rất nhiều bộ quy tắc chặt chẽ và mang tính cách mạng, nếu muốn buộc các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho nội dung mà các ứng dụng AI của họ lấy từ báo chí hay các nguồn tin có bản quyền khác. Bởi vậy, mối đe dọa từ việc sử dụng AI để chèn ép báo chí đang rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả các nền tảng công nghệ và mạng xã hội hiện nay.
Có nghĩa, các tổ chức báo chí hay trang tin tức xuất bản các bài báo, từ tin tức cho đến bài bình luận, đang có nguy cơ tiếp tục phải “làm không công” cho AI, sau khi đã bị chèn ép quá nhiều bởi MXH và các nền tảng công nghệ. Và đây không phải là tương lai xa vời, hiện đã là viễn cảnh ngay trước mắt chúng ta.
Như đã biết, ChatGPT gần đây đã đưa ra những câu trả lời, đáp án hoặc kết quả bằng văn bản dài cho các câu hỏi ở mọi lĩnh vực; đặc biệt thông tin không chỉ đến từ kiến thức chung của nhân loại, mà rất nhiều đến từ các bài báo, tài liệu khoa học, kịch bản phim và các nguồn tin có bản quyền khác nói chung.
Cho đến lúc này, ChatGPT cũng như những chatbot khác vẫn đang thoải mái sử dụng các tài liệu, thông tin báo chí để kiếm tiền và đặc biệt tiếp tục lấy đi những độc giả còn lại của báo chí và rồi cả nguồn thu vốn đã rất ít ỏi còn lại của những người tạo ra những thông tin, những kiến thức đó.
Hồi đầu tháng 5/2023, các nhà biên kịch phim tại Hollywood đã biểu tình chống AI, chính xác là chống việc sử dụng AI để đánh cắp các sản phẩm trí tuệ của họ. Họ tin rằng nhiều công ty đang sử dụng AI để cắt xén nội dung biên kịch để tạo ra các sản phẩm mới mà không hề xin phép hay trả tiền. Ngoài ra, hiện tượng AI bị sử dụng để đạo nhạc, đạo ảnh, đạo văn… và thậm chí đạo cả mã code cũng đang bị phản đối mạnh mẽ trên thế giới.
Đáng ngại hơn, làn sóng này đang ngày một mạnh mẽ theo thời gian, thậm chí còn được tính bằng ngày, bằng giờ. Cuộc đua trí tuệ nhân tạo như đã nói đang diễn ra rất khủng khiếp giữa các gã khổng lồ công nghệ, từ Google, Meta, Microsoft, Amazon, OpenAI, Baidu và nhiều tập đoàn công nghệ khác.
Họ đang đua nhau phát triển và đã sớm đưa AI vào các ứng dụng thương mại để giành giật người dùng, trong đó có độc giả báo chí. Ở một khía cạnh nào đó, có thể hình dung họ đang lao vào ngấu nghiến những thông tin báo chí nói riêng, các sản phẩm bản quyền nói chung để làm lợi cho mình và đáng sợ hơn là đang trực tiếp “tiêu diệt” đường sống của những người tạo ra những sản phẩm đó, gồm những người làm báo.
Đầu năm nay, Microsoft đã sớm tích hợp công nghệ AI vào công cụ tìm kiếm Bing của mình, qua đó cũng sẽ trả lời các câu hỏi bằng dạng văn bản, thay vì các danh sách đường link như trước, dù cũng trích dẫn một số nguồn tin phía sau. Tuy nhiên, với việc trả lời bằng văn bản khá đầy đủ được “xào nấu” từ các nguồn tin, thì người dùng đa phần sẽ không hoặc hạn chế truy cập vào các link bài gốc.
Bên cạnh Microsoft, mới đây Google do sợ thụt lùi trước các đối thủ trong cuộc đua AI cũng đã bắt đầu áp dụng AI vào công cụ tìm kiếm số một thế giới của mình; cách thức hoạt động cũng giống như Bing nói trên, qua đó sẽ tiếp tục bóp nghẹt các tổ chức tin tức vốn dựa vào MXH và các nền tảng tìm kiếm để phát hành - thực trạng vốn rất phổ biến trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
Việc các công ty công nghệ tiếp tục lạm dụng AI để chèn ép báo chí không chỉ dẫn đến việc các trang tin cung cấp nội dung “hết đường sống” mà chắc chắn sẽ tạo ra những thông tin sai lệch, độc hại. Thực ra, rất nhiều các nhà nghiên cứu báo chí và chuyên gia truyền thông đã thử nghiệm kiểm tra các thông tin do các chatbot AI trả lời trong nhiều năm qua và cho thấy chúng thường xuyên đưa ra những thông tin sai lệch.
Ngay trong sự kiện ra mắt, chatbot Bard của Google đã có một câu trả lời sai hoàn toàn. Cụ thể, khi được hỏi: “Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình về những khám phá mới nào từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST)?”. Trong phần trả lời của Bard có đoạn: “JWST đã được sử dụng để chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời”. Thực tế những bức ảnh đầu tiên về các ngoại hành tinh được chụp bởi Kính viễn vọng Lớn của Đài thiên văn Nam châu Âu (VLT) vào năm 2004, theo xác nhận của NASA. Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ về các thông tin sai do các chatbot đưa ra, chưa kể việc các chatbot AI đang còn bị sử dụng để chủ động tạo ra thông tin sai lệch!
Các tổ chức và quốc gia trên thế giới đã lường trước những rủi ro mà AI có thể mang lại. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị đưa ra một bộ quy tắc đầu tiên trên thế giới về cách sử dụng AI. Ngoài ra, mới đây chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã triệu tập các CEO công nghệ hàng đầu để họp bàn về các mối rủi ro của AI. Hay Trung Quốc yêu cầu các công ty công nghệ phải đệ trình kế hoạch cụ thể lên chính quyền trước khi đưa ra thị trường một sản phẩm AI nào đó.
Điều đó rất dễ hiểu khi mà AI lúc này mới chỉ dừng lại ở khả năng chắt lọc thông tin trên mạng, sử dụng thuật toán xác suất và sử dụng mô hình ngôn ngữ tự nhiên lớn (LLM) để trả lời mà thôi, chứ bản thân nó chưa phải phát triển tới mức như một sản phẩm trí tuệ thực sự. Vậy mà, các công ty công nghệ đã vội vàng dùng AI để trả lời cho hàng tỷ người và ở hàng tỷ lĩnh vực trên hành tinh này!
Thực ra, ngay cả Google cũng như những công ty hàng đầu về AI khác vẫn còn lo sợ và chưa dám đảm bảo rằng việc áp dụng AI vào các sản phẩm thương mại lúc này sẽ an toàn. Nhưng chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, vì lo sợ đánh mất thị trường sau sự nổi lên của ChatGPT mà họ đã nhắm mắt nhảy vào cuộc đua đầy rủi ro này.
Cần biết, không lâu sau khi các phần mềm AI bùng nổ, tỷ phú Elon Musk - một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực AI và đồng sáng lập công ty tiền thân của OpenAI (đơn vị tạo ra ChatGPT), cũng đã phải lên tiếng về mối rủi ro mà AI có thể tạo ra. Ông đã cùng hàng trăm chuyên gia AI khác ký vào bức thư ngỏ kêu gọi thế giới tạm dừng triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo mới. Ngoài ra, người được xem như “bố già” trong lĩnh vực AI là Geoffrey Hinton cũng phải vội vàng rời Google hồi đầu tháng 5 vừa rồi để lên tiếng về “những rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại”.
“Hãy nhìn xem 5 năm trước có gì và bây giờ như thế nào”, Hinton nói và cho biết thêm rằng sự cạnh tranh giữa những gã khổng lồ công nghệ đang thúc đẩy các công ty phát hành công nghệ AI mới với tốc độ nguy hiểm, gây rủi ro cho công việc và lan truyền thông tin sai lệch. “Thật khó để bạn có thể ngăn chặn những kẻ xấu sử dụng nó cho những điều xấu”, ông tuyên bố về AI.
Như vậy, AI rõ ràng chưa thể thay thế các nhà báo, các tổ chức tin tức như một nguồn thông tin đáng tin cậy, chứ chưa nói đến chất lượng và tính nhân văn. Mà điều đáng lo là việc nó bị sử dụng như một công cụ tinh vi để lan truyền thông tin sai lệch, cũng như “đánh cắp” chất xám của các nhà báo, các nguồn thông tin và kiến thức bản quyền khác.
Nói cách khác, AI không có lỗi, nó là một công nghệ đột phá, có thể giúp ích nhiều cho xã hội, trong đó có báo chí. Vấn đề chỉ là những kẻ sử dụng nó không đúng cách mới có lỗi, từ những kẻ lợi dụng nó làm những điều sai trái… cho đến những gã khổng lồ công nghệ muốn tận dụng nó để trục lợi, qua đó tiếp tục dồn báo chí về phía bờ vực sụp đổ.
Nhưng chắc chắn, “Báo chí sẽ không thể chết. Báo chí sẽ tiếp tục dưới một hình thức nào đó vì con người dẫu sao cũng muốn biết những gì đang xảy ra xung quanh họ” như lời của Shalini Dore - cựu biên tập viên của Variety cho biết hồi đầu năm nay.
Các nhà báo chắc chắn sẽ không thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo, trừ khi đến lúc nào đó AI có thể biến thành những con robot thống trị hành tinh này như trong các cuốn sách, những bộ phim khoa học viễn tưởng. Song có thể tin rằng ngay cả trong tương lai xa, điều này vẫn chỉ là một câu chuyện viễn tưởng.
Bởi vậy, thế giới báo chí không có lý do gì để e ngại AI, khi đây là một công nghệ rất tốt cho chính bản thân báo chí. Điều mà giới báo chí - cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội - phải quan tâm và cần làm là phải đấu tranh, đoàn kết và cần sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách để ngăn chặn những cá nhân, những tổ chức đang muốn sử dụng AI chiếm đoạt công sức, trí tuệ, tiền bạc và cả tương lai của chúng ta!
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm