Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, GDP Việt Nam tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức 5,9% của quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP thấp thứ 2 trong 1 thập kỷ qua.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự tăng trưởng thấp trong quý I là do sự suy giảm của ngành công nghiệp.
“Trong giai đoạn 2020 - 2022, ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,3%. Tuy nhiên, quý I/2023 ghi nhận mức giảm 0,4%. Điều này đã giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế khoảng 0,1%”, WB cho biết.
Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
WB phân tích: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) quý I thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, IPI đã được cải thiện vào tháng 3 năm 2023, tăng 9,4% so với tháng trước, một phần là do nghỉ Tết kéo dài.
Hầu hết các ngành và phân ngành công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng (so cùng kỳ tháng) trong tháng 3 năm 2023 đặc biệt là ngành khai khoáng, dệt may, sản xuất kim loại và sản xuất phương tiện vận tải.
Sản xuất các sản phẩm điện tử và nội thất là hai trường hợp ngoại lệ, giảm lần lượt 13% và 21,7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3 năm 2023.
Sự sụt giảm này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu điện thoại thông minh, giảm 42% so với cùng kỳ, máy tính và các sản phẩm thiết bị điện tử khác giảm 11% so với cùng kỳ và đồ nội thất giảm 22,8% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp trong thời gian qua. Thứ nhất là các tác động từ bên ngoài, như lạm phát, xung đột địa chính trị, buộc nhiều người phải thắt chặt chi tiêu. Do đó, làm giảm các đơn hàng tại Việt Nam.
Thứ hai, quý I/2023 là giai đoạn nghỉ Tết cũng tác động tới các chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước.
Việc ngành công nghiệp giảm tốc còn tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu. WB cho biết, Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt là 11,8% (so cùng kỳ) và 14,6% (so với cùng kỳ).
Đây là quý thứ hai liên tiếp hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam bị thu hẹp. Xuất khẩu giảm chủ yếu do hai nhóm hàng là máy vi tính, điện thoại, điện tử và máy móc giảm khoảng 14,3% (so với cùng kỳ) và các sản phẩm dệt may, da giày giảm khoảng 18%.
Phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử và máy móc cũng giảm 23% (so cùng kỳ) trong quý, cho thấy sự phụ thuộc lớn của xuất khẩu công nghệ cao vào các đầu vào nhập khẩu này.
WB nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2023 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, cần được theo dõi chặt chẽ.
“Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công”, báo cáo của WB nhấn mạnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm