Thị trường hàng hóa
Ngành thời trang cũng không đứng ngoài xu thế thời đại, khi BOO (Bò Sữa) thông báo sẽ biến sản phẩm thành dạng NFT và trở thành một trong những hãng thời trang Việt đầu tiên gia nhập lĩnh vực metaverse.
Thay vì phải mở tủ quần áo và mất thời gian chọn ra một trang phục cho cuộc họp trực tuyến sáng nay, giờ đây người dùng có thể click vào tủ quần áo ảo của mình để chọn một bộ trang phục ở định dạng 3D kỹ thuật số để "mặc". Đây là một điều mà một số người trong không gian thời trang và công nghệ đang tin tưởng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp hướng đến thời trang kỹ thuật số và thương mại hóa các tài sản thời trang ảo.
Trong vòng 2 đến 5 năm tiếp theo, thương hiệu thời trang nào dành sự tập trung vào metaverse innovation (đổi mới sáng tạo thông qua các giải pháp vũ trụ ảo) và đẩy nhanh thương mại hóa, có thể tạo ra mức tăng trưởng 5% doanh thu hàng năm nhờ đầu tư vào các hoạt động nhằm thúc đẩy tương tác của người dùng với tài sản thời trang công nghệ.
Báo cáo hàng năm về Hiện trạng thời trang của McKinsey & Company và The Business of Fashion cho biết chi tiêu toàn cầu cho tài sản ảo dự kiến sẽ tăng với tốc độ tương đương thị trường trò chơi - khoảng 135 tỷ USD hoặc thậm chí cao hơn vào năm 2024.
"Một phần là do ngành công nghiệp trò chơi điện tử chính là những viên gạch nền móng cho thời trang kỹ thuật số, với trang phục hoặc "làn da" (virtual skin), giống như trong các trò chơi như Overwatch hay Fortnite tạo ra hàng tỷ doanh thu", báo cáo cho biết thêm.
Giờ đây, các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang đang dựa vào công nghệ không chỉ để linh hoạt hơn trong bối cảnh hoạt động đầy biến động ngày nay mà còn để trở nên có trách nhiệm và hướng tới thời trang bền vững nhiều hơn.
Trong tương lai, những khoảng trống ngành hàng sẽ dành cho những người chơi nhanh chân, các chiến lược mở rộng và sát nhập có thể kể đến như: Hợp tác với các công ty trò chơi hoặc công nghệ, như cách hãng thời trang Burberry đã làm khi hợp tác với Tencent để tung ra một khăn quàng cổ phiên bản giới hạn với hình ảnh ảo của Trung Quốc; xây dựng nguồn nhân lực tiềm năng với các kỹ năng liên quan đến công nghệ cùng với hiểu biết sâu sắc về metaverse và các cộng đồng của nó, giống như Balenciaga đang làm để tạo ra một đơn vị dành riêng cho tiếp thị - thương mại metaverse. Hay thực hiện mua lại, theo sự tiên phong của Nike khi mua studio thời trang ảo RTFKT năm 2021.
Đối với hai xu hướng tài sản ảo là NFT và VR (virtual reality – công nghệ thực tế ảo), khả năng ứng dụng vào thời trang kỹ thuật số hiện nay rất tiềm năng, thông qua tăng cường mức độ tương tác của người tiêu dùng với metaverse. Từ các thử nghiệm AR đến các phòng trưng bày VR và thế giới của game thời trang, metaverse đang trở thành một thuật ngữ nổi trội nằm trong tầm ngắm của các thương hiệu…
Theo tạp chí Forbes, NFT được hiểu đơn giản là tài sản kỹ thuật số đại diện cho các đối tượng trong thế giới thực như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm trong trò chơi và video… Thông qua việc mã hóa, mỗi tài sản NFT sẽ có chữ ký số riêng biệt và vì thế nó có tính độc nhất hoặc ít nhất thì số lượng cũng rất giới hạn. Nhờ đó, một tác phẩm nghệ thuật hay một bản nhạc, đoạn clip… dưới dạng NFT sẽ không bị nhân bản hay sao chép như các nội dung số lâu nay, đồng thời chứa xác thực tích hợp, dùng làm bằng chứng về quyền sở hữu.
Trong khi đó, VR cho phép người dùng kết hợp thế giới thực với các yếu tố do máy tính tạo ra, chẳng hạn như mô hình 3D và các đối tượng ảo. Ngoài ra, sự kết hợp của thực tế tăng cường AR (Augmented Reality) và VR với blockchain sẽ tạo ra những cách mới để mọi người tương tác với tài sản ảo. Ví dụ: Các nhãn hàng thời trang đã và đang tạo ra những trải nghiệm thời trang tương tác cho phép mọi người thử trang phục lên nhân vật ảo của mình.
Trong những năm gần đây, các dự án blockchain Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là tiền đề để các dự án blockchain tại Việt Nam tiếp tục phát triển. Cuộc đua ứng dụng blockchain vào sự phát triển của doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục diễn ra. Các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, fintech đã ứng dụng thành công và đem đến nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người dùng. Blockchain vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều doanh nghiệp khai thác trong thời gian tới.
"Blockchain và crypto sẽ mang đến thế hệ Web 3.0, tokenomics (nền kinh tế của tiền mã hóa – PV) làm điên đảo nền kinh tế thế giới", ông Hùng Đinh, CEO Rada Community chia sẻ trong Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam. "Nếu các doanh nhân công nghệ Việt Nam chỉ mới nghe báo đài đề cập đến sự lên giá của Bitcoin, sự xuất hiện của những khái niệm mới như NFT, DeFi mà chưa dành đủ hàng trăm, hàng nghìn giờ nghiên cứu sâu, tập trung làm các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng blockchain, thì e rằng Việt Nam lại một lần nữa đến trễ với bữa tiệc công nghệ của thế giới".
Nhìn rộng hơn, ông Hùng Đinh cũng tin rằng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để trở thành cường quốc blockchain. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp có dám đứng lên để nghiên cứu và triển khai để chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện trong việc ứng dụng blockchain.
Vì mỗi NFT là duy nhất và chúng không thể hoán đổi cho nhau, nên chúng có thể hoạt động như bằng chứng xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Dần dần, xu hướng NFT sẽ ngày càng phát triển và có thêm nhiều ứng dụng vào cuộc sống để các tài sản đều có chứng nhận sở hữu riêng, minh bạch trong mua bán trao đổi và tăng giá trị sản phẩm. Và ngành thời trang Việt Nam cũng đang có những bước đi đầu tiên để thâm nhập thị trường này.
Tại Việt Nam, BOO (Bò Sữa) - một startup thời trang đi đầu về chất liệu bảo vệ môi trường nổi tiếng cũng chính thức trở thành một trong những hãng thời trang Việt đầu tiên gia nhập lĩnh vực vũ trụ ảo (metaverse). Doanh nghiệp này sẽ hợp tác cùng VerseHub, startup có trụ sở tại London (Anh), do kỹ sư người Việt - Cảnh Hồ đồng sáng lập, kiêm CTO. Startup này sẽ đảm nhận quá trình số hóa các sản phẩm thời trang truyền thống của BOO trên nền tảng blockchain. Theo đó, các sản phẩm của BOO sẽ trở thành những vật phẩm NFT trong "NextVerse" - vũ trụ ảo đang được VerseHub phát triển. Sau đó, khách hàng của BOO cũng sẽ được trải nghiệm phong cách mua sắm mới trong môi trường thực tế ảo của NextVerse.
Vũ trụ ảo NextVerse được VerseHub phát triển trên nền tảng blockchain Solana, định hướng xây dựng một mạng xã hội 3.0 hỗ trợ các công nghệ VR/AR, nhằm mang lại cho người dùng trải nghiệm sống động trên đa nền tảng (PC, mobile, VR).
Chia sẻ trên truyền thông, ông Đỗ Việt Anh, CEO BOO nhấn mạnh, doanh nghiệp này muốn tiếp tục thử thách và làm mới khi trở thành một trong những thương hiệu thời trang Việt đi đầu trong việc đặt chân lên metaverse – xu hướng được xem là nóng nhất hiện nay. "Đây sẽ là dự án mang nhiều tính thử nghiệm, thể hiện tinh thần dám làm, dám khác biệt của Boo mà chúng tôi kỳ vọng tạo ra trên vũ trụ ảo NextVerse của VerseHub", ông Việt Anh cho biết.
Báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" là tài liệu đầu tiên cung cấp một bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều với điểm nhấn là 11 lĩnh vực kinh tế nổi bật. Báo cáo được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đây cũng là bước khởi đầu để tiến tới cung cấp một cơ sở dữ liệu và đánh giá hoàn chỉnh cho hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST mở tại Việt Nam, góp phần giới thiệu năng lực ĐMST và nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tìm hiểu thêm những xu hướng đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tại: https://report.bambuup.com/ |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm