Thị trường hàng hóa
Với người Mường, Quốc khánh được coi là cái Tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán.
Cách đây 77 năm, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền, phá bỏ xiềng xích nô lệ, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do. Theo kể lại, lực lượng cách mạng Trung đội tự vệ cứu quốc phối hợp với lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh Hòa Bình cùng nhân dân lao động huyện Lạc Sơn đã tiến hành giành chính quyền thành công từ Mường Khói.
Theo lời kể lại của các cụ lớn tuổi đang sinh sống tại huyện Lạc Sơn (Hoà Bình), hòa chung niềm vui cùng Nhân dân cả nước trước thành công của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Sơn đã tổ chức ăn Tết Độc lập đầu tiên vào năm 1945. Đến năm 1947, Thực dân Pháp tái xâm lược tỉnh Hòa Bình. Bằng sự mưu trí, tinh thần dũng cảm, quân và dân nơi đây đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng tỉnh nhà bằng chiến dịch Hòa Bình. Cuối năm 1949, khi những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đồn Mường Vang, vùng Cộng Hòa (huyện Lạc Sơn) chính thức được giải phóng, chế độ nhà Lang sụp đổ.
Nhân dịp Quốc khánh (2/9/1950), Hội các Cụ phu lão (Mặt trận Tổ quốc ngày nay) cùng với chính quyền cấp xã đã tổ chức các buổi mít ting, những giải đấu thể thao, văn nghệ cũng như mổ trâu chia cho Nhân dân mừng ngày Độc lập. Tại các gia đình bản Mường Vang, họ có bàn thờ Tổ quốc, trên đó có ảnh Bác Hồ và các lãnh tụ của đất nước. Trước cửa mỗi nhà đều có cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Từ đó trở đi, cứ đến Lễ Quốc khánh (2/9) hàng năm, người dân tại đây đều tổ chức ăn mừng, rồi lan rộng ra toàn huyện Lạc Sơn và trở thành một phong tục truyền thống như ngày nay.
Theo người dân nơi đây, nguồn gốc Tết Độc lập còn có một tích khác. Thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi thực hiện cải cách ruộng đất, Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương “Xây dựng đời sống văn hóa mới”, “Chống mê tín, dị đoan, bài trừ hủ tục lạc hậu” trên phạm vi toàn quốc. Lúc này, rất nhiều hủ tục của người Mường đã bãi bỏ; nhiều tục lệ mang hơi hướng mê tín, dị đoan đã biến mất...
Ở vùng Mường Vó, theo dân gian, “Tết cả năm không bằng Rằm tháng 7”, vì vậy, ăn Rằm tháng 7 Âm lịch đã trở thành một phong tục có sức sống bền bỉ trong văn hóa người Việt nói chung và với đời sống người Mường nói riêng; nhằm cầu mạnh khỏe cho con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ăn Tết Độc lập, bên cạnh việc âm thầm duy trì tục lệ cúng Rằm tháng 7, người Mường Vó còn bổ sung thêm ý nghĩa đó là ăn mừng ngày 19/8 - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Theo thời gian, dần rút gọn thành tục ăn 19/8 và tên gọi đó được duy trì cho đến bây giờ. Từ đó trở đi, cách gọi “Ăn Rằm tháng 7” dần ít được sử dụng, tên gọi là ăn 19/8, chính thức được thay thế.
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, khí thế Tết Độc lập tràn về khắp các bản làng ở xứ Mường huyện Lạc Sơn. Thời gian này, người Mường sẽ thức dậy sớm hơn bình thường. Các thành viên trong gia đình cùng nhau vệ sinh nhà cửa, lau dọn sạch sẽ bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Dọc các bản làng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Tiếng cồng chiêng cùng tiếng hò reo xen cả những câu hát Mường vang vọng một vùng Tây Bắc.
Trong ngày Tết này, tất cả người dân tộc Mường ở Lạc Sơn sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất, sau đó đến thăm nhà nhau. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Đình, 62 tuổi, người dân thôn Đồng Chanh, xã Thanh Sơn, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), những ngày này, giống như Tết cổ truyền, người dân ai cũng tất bật chuẩn bị mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ cùng với lời cầu nguyện sức khỏe, gia đình êm ấm, mùa màng bội thu, quê hương đất nước bình yên. Để chuẩn bị cho những mâm cơm ngày Tết Độc lập, đàn ông tay khỏe thì làm thịt lợn, thịt vịt, thịt gà. Phụ nữ khéo léo hơn thì gói bánh uôi, thổi xôi...
Khi nhắc đến các món ăn trong ngày Quốc khánh, bà Định có nhắc đến món bánh uôi, theo lời bà, bánh này là đặc sắc nhất, không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Độc lập của người dân nơi đây. “Để có bánh ngon thì phải lưu ý từ lúc chọn nguyên liệu. Với gạo, phải sàng lọc từ thóc trên những thửa ruộng tốt, sau đó say kỹ để bánh được dẻo và giữ mùi thơm. Lá bương dùng để gói bánh phải rửa sạch ngay sau khi lấy từ rừng về. Lúc nhào bột cần cân đo lượng nước vừa phải, bóp cho đến khi dẻo mới thôi. Sau đó, người làm sẽ nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rồi rắc lạc và vừng lên trên. Công đoạn cuối cùng là quấn bánh lại bằng lá bương. Hấp từ 40 đến 45 phút, lá chuyển sang màu đậm là bánh chín.”, người phụ nữ 62 tuổi chia sẻ về cách làm bánh uôi.
Dịp Tết này, mỗi gia đình người Mường sẽ chuẩn bị 5 mâm cỗ. Khi mọi việc hoàn tất, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ mời tổ tiên, thần linh về, chứng giám lòng thành của các con, các cháu. Sau đó họ sẽ “thụ lộc”. Bên vò rượu cần, những thành viên trong gia đình ngồi lại, trò chuyện cùng nhau. “Theo thông lệ, tôi đều nhắn các con đưa các cháu về hết trong dịp Tết Độc lập. Bây giờ con cháu đều bận đi học và đi làm, chỉ dịp này mới có thể tập trung đầy đủ được. Khi con cháu về đầy đủ, những người lớn tuổi như chúng tôi sẽ dạy dỗ các cháu, giúp các cháu ôn lại truyền thống tốt đẹp của quê hương, thể hiện lòng biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ.”, bà Định tâm sự.
“Một bữa cơm Tết Độc lập của người dân tộc Mường ở Lạc Sơn trọn vẹn nhất khi mà đầy đủ cả đại gia đình và hàng xóm từ trong làng đến ngoài bản tới chung vui. Lúc đấy mọi người sẽ có thời gian nhấm nháp hương vị rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống và cùng nhau chuyện trò.”, bà Đình cho hay.
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhưng cứ đến dịp Quốc khánh, anh Nguyễn Quang Vinh, con trai bà Nguyễn Thị Định, lại đưa cả gia đình về quê ăn Tết Độc lập truyền thống. “Hai năm vừa rồi dịch nên việc đi lại cũng hạn chế, như thời gian trước dịch, cứ đến 2/9, chưa cần bố mẹ nói chuyện thì hai con tôi đã nhắc bố cho về quê. Cho đến bây giờ, mình vẫn không thể diễn tả được cảm xúc khi ăn Tết Độc lập trên quê hương Hòa Bình. Không khí rất nhộn nhịp, được ăn những món ăn rất ngon, rồi chơi những trò chơi dân gian tuy đơn giản mà lại rất vui. Mình muốn con mình cũng được trải nghiệm những điều thú vị ở tuổi thơ của bố, và cũng muốn con biết cũng như hiểu được ý nghĩa của dịp lễ đặc biệt này.”, anh Vinh cho hay.
“Trước kia, khi kinh tế khó khăn, đời sống còn vất vả nhưng nhà nào cũng cố gắng làm một cái Tết Độc lập tươm tất, bây giờ, ơn Đảng, ơn Nhà nước, cuộc sống đã khá giả hơn, chúng tôi ăn Tết cũng ấm no hơn nhiều. Tết Độc lập càng ngày càng vui và ý nghĩa. Vì thế chúng tôi, không ai bảo ai nhưng đều nhắn nhủ đến con cháu rằng phải giữ gìn được phong tục này.”, ông Vũ Văn Kim, người Mường tại xã Thanh Sơn chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, cứ vào dịp 2/9 năm nào cũng vậy, thanh niên các xã đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao, góp phần củng cố tình đoàn kết và gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa. Phong tục ăn Tết Độc lập của người Mường trên địa bàn huyện góp phần nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
54 dân tộc trên dải đất hình chữ S là 54 màu sắc văn hóa khác nhau, thế nhưng Tết Độc lập ở xứ Mường Lạc Sơn là một gam màu vô cùng độc đáo. Gam màu đó đã và đang tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa Việt Nam, cũng như tạo một nét rất riêng cho văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình. Với những ý nghĩa cao đẹp, để Tết Độc lập tại vùng đất Tây Bắc có một sức sống lâu dài qua từng thế hệ, nét đẹp văn hóa truyền thống cần duy trì, phát huy, trở thành niềm tự hào của nhân dân Lạc Sơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm