Thị trường hàng hóa
…Với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm cho du lịch Hội An, truyền cảm hứng sáng tạo để phục dựng lại làng nghề.
Con giống là thương hiệu của một chuỗi triển lãm nổi tiếng, trưng bày, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật được khai sinh từ ý tưởng phác họa nét đẹp các loài vật thân thuộc với nhà nông của bốn nghệ sĩ: Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Thuận, Lê Minh Trí và Vũ Hữu Nhung.
Việc đưa triển lãm này về Hội An là một câu chuyện thú vị về hành trình hội họa, điêu khắc mỹ thuật và ra mắt công chúng của một người con Hội An: Nghệ sĩ, đầu bếp, doanh nhân, kiến trúc sư không chuyên Lê Ngọc Thuận. Anh từng là đầu bếp, một doanh nhân khá thành công và còn là một kiến trúc sư không chuyên. Năm 2012, khi bắt tay vào làm homestay ở làng chài An Bàng (Hội An), Thuận có ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế, bắt đầu từ việc tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê của làng chài và vật liệu địa phương.
Năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ gần như đứng im. Khoảng thời gian đó, Thuận không để mình bị chững lại mà dành thời gian ấy để tìm hiểu về làng nghề mộc Kim Bồng nổi tiếng. “Thật tình cờ, tôi có dịp chứng kiến những bè, thân gỗ trôi từ thượng nguồn về vùng cửa sông Thu Bồn sau những đợt mưa lũ, tôi đã vớt những khúc gỗ ấy đem về đẽo gọt, trau chuốt thành các hình hài con vật khác nhau, lấy ý tưởng từ những tác phẩm điêu khắc của đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang, Quảng Nam. Những tác phẩm này bất ngờ được khách du lịch đón nhận, mua với giá cao”, anh Thuận kể. Cái tên “Thuận củi lũ” cũng ra đời từ đó!
Câu chuyện của Thuận được nghệ sĩ Lê Thiết Cương biết tới và ông đã hỗ trợ để Thuận đến với triển lãm Con giống tổ chức đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây, những tác phẩm của Lê Ngọc Thuận đã thu hút công chúng, được khách sưu tầm đặt mua với số lượng lớn. Với sự hỗ trợ của nghệ sĩ Lê Thiết Cương và các nghệ sĩ khác, Thuận đã đưa triển lãm về Hội An với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm để tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Sau triển lãm ở Hội An, Thuận tiếp tục tổ chức trưng bày, triển lãm tại TP Đà Nẵng. Ở mỗi triển lãm, công chúng đều thích thú khi chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc tinh tế và càng bất ngờ hơn khi nghe câu chuyện “tái sinh” của những chất liệu gỗ, củi làm nên các tác phẩm ấy.
Lê Ngọc Thuận cho biết, dự án bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn, đồng thời truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để bà con Quảng Nam thay đổi dần suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm, lưu giữ được văn hoá làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học. Song song đó, mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho các bạn trẻ ở miền núi, sau đó đưa các bạn trở lại quê hương để tận dụng nguồn nguyên liệu và gia công cho dự án.
Trong tương lai, Lê Ngọc Thuận dự tính sẽ mở khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tái chế kể câu chuyện về văn hoá Cơ Tu, văn hóa Hội An qua từng thời kì lịch sử; để khách du lịch tham quan và trải nghiệm làng nghề mộc tái sinh cùng với thợ điêu khắc.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm