Thị trường hàng hóa
Tiếng kèn xứ đạo
Làng Phạm Pháo thuộc Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) có khoảng 50% dân số theo đạo Công giáo. Từ lâu, chiếc kèn đồng đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Theo các cụ cao niên tại làng Phạm Pháo, từ đầu thế kỷ XVIII, nhiều người dân trong làng đã biết chơi kèn Tây. Người nọ dạy cho người kia, dần dần đâu đâu trong làng mọi người đều biết chơi loại nhạc cụ này, thôn nào trong làng cũng có một đội kèn để phục vụ các hoạt động văn hoá, tôn giáo, cưới hỏi…. Sau đó, để gắn kết thành một cộng đồng các đội kèn đã hợp nhất làm một với các tên chung là đội kèn Phạm Pháo.
Ông Nguyễn Văn Hưởng (53 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: “Ngày trước ở làng khi có đội kèn đầu tiên, mỗi khi hỏng hóc đều phải gửi đi Hà Nội để sửa, riêng việc vận chuyển đã mất mấy ngày. Xứ đạo lại không thể thiếu đội kèn, bởi vậy các cụ trong làng đã tìm tòi và học hỏi kỹ thuật sửa kèn, làm kèn, từ đó tạo thành nghề cho làng đến tận ngày nay”.
Ở làng Phạm Pháo, những đứa trẻ biết thổi kèn từ nhỏ, đến 12-13 tuổi đã học làm kèn. Làm kèn đồng và thổi kèn đồng đã là truyền thống ngấm vào máu thịt của người làng Phạm Pháo. Tiếng kèn được thổi trong những ngày thánh lễ, những bữa tiệc vui gia đình, trong lễ vu quy và thổi kèn cũng để chia sẻ bớt nỗi đau của những mất mát chia xa… Tiếng kèn gần như đã gắn liền với mọi sinh hoạt trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Hiện làng Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý và 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công.
Ngọn lửa “giữ nghề”
Các cơ sở làm kèn ở Phạm Pháo chẳng có thiết bị máy móc nào hiện đại, ngoài chiếc máy cán đồng và máy hàn, vậy mà những người dân quê nơi đây vẫn làm được thứ nhạc cụ vốn chỉ ở “bên Tây” mới làm được.
Cũng theo ông Hưởng cho biết, từ lúc còn bé đã được cha ông dạy thổi kèn, lớn lên một chút lại bắt đầu học làm kèn. Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề của cha ông, có những giai đoạn điều kiện kinh tế khó khăn ông Hưởng cũng đã từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng vượt lên trên tất cả, nghề của cha ông để lại là máu thịt không thể nói bỏ là bỏ được. Đến nay, gia đình ông Hưởng đã có 3 đời làm kèn Tây.
“Hiện nay công việc chủ yếu của tôi ở xưởng hàng ngày là sửa chữa và chỉnh âm lại cho kèn từ các nơi gửi về. Tôi chỉ sản xuất kèn khi có người đặt hàng. Kèn bây giờ nhiều nơi người ta mua hàng bãi ở nước ngoài về sửa lại rồi bán ra thị trường với giá rẻ, mình lại làm kèn nhỏ giá thành không cạnh tranh được với họ”, ông Hưởng nói.
Trung bình mỗi năm gia đình ông gia công từ 10-20 chiếc kèn, còn lượng kèn sửa chữa thì không kể hết. Chất liệu làm kèn chủ yếu bằng đồng, mạ crom, vàng, bạc… tuỳ đơn đặt hàng.
Ngày nay, thế hệ thứ ba trong gia đình ông Hưởng vẫn tiếp tục nối nghiệp cha ông. Trong làng, hàng chục hộ dân vẫn gắn bó với nghề kèn Tây nửa thập kỷ qua, tạo thành một cộng đồng làng nghề có tiếng ở thành Nam.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm