Thị trường hàng hóa
Trước đó, bằng nhiều cách, nhiều tranh Đông Dương đã được quy tụ về, cho thấy xu hướng hồi hương tác phẩm mỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ.
Vào trung tuần tháng 7, triển lãm phi thương mại có tên Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ do Sotheby’s tổ chức, diễn ra tại Park Hyatt Saigon đã giới thiệu 56 tác phẩm của “Bộ tứ Paris”. Đây là cách gọi thân mật các danh họa Việt Nam sống tại Pháp, gồm Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000) và Lê Thị Lựu (1911-1988) - xếp thứ tự theo năm sinh. Họ cùng tốt nghiệp từ những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine - EBAI), sáng tác một thời gian tại Hà Nội, trước khi sang Pháp định cư. Trên thị trường quốc tế, sau khi Lê Phổ cán mốc triệu đô (USD), thì giá bán của ba họa sĩ còn lại cũng leo thang chóng mặt.
Theo Ace Lê, một nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập, giám tuyển cho các tác phẩm trong triển lãm nói trên, thì xét cả về mặt lịch sử và mỹ thuật, hành trình các tác phẩm của Bộ tứ này mang tính đại diện cho quá trình trở về nguồn cội của tranh Đông Dương nói chung. Phong cách sáng tác của họ cũng thể hiện sự kết hợp Đông - Tây nhuần nhuyễn, mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác du nhập từ Tây phương, nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ. Chính vì thế, sự hội tụ các tác phẩm tranh Việt của các danh họa là sự kiện nghệ thuật gây tiếng vang lớn, không những đặt dấu mốc với vai trò triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức bởi Nhà đấu giá kiêm bảo trợ nghệ thuật quốc tế Sotheby’s, mà còn là một trong những triển lãm tranh Đông Dương quy mô lớn nhất tại đây.
Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Trịnh Cung xúc động cho biết, ông vui sướng khi được ngắm tranh của các danh họa Việt Nam ngay tại quê hương, sau thời gian dài không biết các tác phẩm trú ngụ nơi đâu. Chia sẻ thêm về bản thân, họa sĩ Trịnh Cung cho biết, ông đã quyết định rời Hoa Kỳ về ở hẳn Việt Nam và hiện đang xúc tiến việc xây dựng một studio vẽ, triển lãm tranh cá nhân tại TP.HCM. “Tôi sẽ cố gắng hoàn tất trong tháng 8 này và muốn dành trọn quãng đời còn lại để vẽ tranh phục vụ công chúng trên quê hương mình, sau thời gian dài bôn ba nơi xứ người”, họa sĩ chia sẻ.
Loạt tác phẩm trong triển lãm Hồn xưa bến lạ là lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của 4 họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc, bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người như: Hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng - đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ thu nạp được từ quãng đời viễn xứ.
Trở lại việc hơn 200 tác phẩm tranh, tượng và dụng cụ sáng tác của danh họa Lê Bá Đảng (1921-2015) ở Pháp sẽ được chuyển về Việt Nam vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới đây, theo thông tin riêng chúng tôi có được, được sự chấp thuận của UBND TP.HCM và Sở VHTT TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã cử đại diện qua Pháp tiến hành thủ tục tiếp nhận các tác phẩm mỹ thuật của danh họa do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng.
Trước đó, vào năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã hai lần tiếp nhận bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu. Lần thứ nhất, tiếp nhận 20 tác phẩm, gồm 18 bức tranh gốc của họa sĩ Lê Thị Lựu và 2 bức là phiên bản. Bộ sưu tập này là của ông Ngô Thế Tân (chồng họa sĩ Lê Thị Lựu) di nguyện để lại cho vợ chồng nhà sưu tầm Lê Tất Luyện và nhà văn Thụy Khuê, thay mặt ông tặng lại Nhà nước Việt Nam. Và lần thứ hai là tiếp nhận toàn bộ bộ sưu tập của ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê (9 bức tranh khác cũng của họa sĩ Lê Thị Lựu nhưng thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông, trong đó có 1 bức của ông Ngô Thế Tân).
Như vậy, hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang lưu giữ tổng cộng 29 tác phẩm, trong đó 26 tranh gốc của nữ họa sĩ tài danh Lê Thị Lựu. Đây là những tác phẩm cực kỳ quý hiếm, được giới mỹ thuật đánh giá cao, một số tác phẩm thuộc hàng đẳng cấp, là dấu ấn quan trọng của nền hội họa Việt Nam trong mối quan hệ với hội họa thế giới. Những tác phẩm không chỉ vô giá ở ý nghĩa văn hóa, lịch sử, xã hội, là chứng nhân một thời của một giai đoạn phát triển đất nước, mà còn rất đắt giá trong thị trường tranh trên thế giới. Bảo tảng Mỹ thuật TP.HCM, bằng sự trân quý, hành động ứng xử với bộ sưu tập đã thực hiện đúng các yêu cầu của ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê đề ra để phát huy được các giá trị, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật, tạo được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật hiện nay.
Cũng trong đợt tiếp nhận các tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu năm 2018, ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê đề nghị tiếp tục hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hơn 200 tác phẩm tranh, tượng và dụng cụ sáng tác của cố họa sĩ Lê Bá Đảng, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 liên tục trong hai năm qua, nên việc tiếp nhận các tác phẩm đến nay mới được tiến hành.
Có thể nói, việc “chảy máu” tác phẩm trong những giai đoạn thuộc địa và hậu thuộc địa, khiến rất nhiều tác phẩm tranh quý “lưu lạc” ở nước ngoài, và thời gian gần đây, phong trào tranh hồi hương đang diễn ra rất thành công. Giá trị văn hóa sáng tạo của người Việt được đã được các nhà sưu tập tư nhân mua về, cùng với đó, hành động hiến tặng của các nhà sưu tầm càng khiến nhiều người trân trọng, kính phục.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm