Thị trường hàng hóa
1. Nói về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam phải nhắc tới người hùng Nguyễn Thị Oanh, bởi cô xứng đáng được ca ngợi và tôn trọng. Chiến tích giành cú đúp HCV điền kinh ở hai nội dung khác nhau (cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật) của Oanh “ỉn” chỉ trong 20 phút tạo nên “cú sốc” thực sự tại đường chạy SEA Games 32.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đại hội thể thao Đông Nam Á, ở môn điền kinh, có một VĐV đạt được thành tích xuất sắc đến vậy. Truyền thông quốc tế hết lời ngợi khen VĐV của Việt Nam sau kỳ tích cô làm được.
Người ta vẫn thường nói “thành công là một hành trình dài chứ không phải là đích đến”. Và, hành trình của Nguyễn Thị Oanh đến với những tấm HCV SEA Games thực sự khiến người ta trân trọng. Trước khi được tôn vinh trên khắp phương tiện truyền thông, Oanh “ỉn” từng trải qua những giai đoạn khó khăn, thử thách cực lớn khi cô mắc bệnh viêm cầu thận năm 2014, đến mức tưởng như cô phải bỏ nghiệp thể thao. Thế nhưng động lực và sự quyết tâm giúp cô đứng dậy.
“Sự nghiệt ngã của lịch thi đấu trở thành động lực, buộc tôi phải thể hiện hết khả năng và bùng nổ cảm xúc khi chiến thắng. Đó mới chính là giá trị quý giá nhất mà tôi muốn mang về cho thể thao. Nó không kém gì 4 HCV đóng góp vào thành tích đoàn Việt Nam. Do đó, đừng bao giờ đầu hàng khó khăn mà hãy cố gắng vượt qua bằng năng lực của mình”, Oanh chia sẻ tại buổi giao lưu tại TP HCM sau thành tích trên đất Campuchia.
2. Cũng gần giống của Nguyễn Thị Oanh, thể thao Việt Nam cũng đã trải qua không ít gian nan, thử thách trên hành trình hòa nhập với thể thao khu vực từ SEA Games 1989, trước khi khẳng định vị thế là một trong các cường quốc thể thao ở Đông Nam Á.
Nếu như ở những năm đầu tiên trở lại với thể thao khu vực, thế mạnh của thể thao Việt Nam chủ yếu tập trung vào bắn súng và võ thuật (karatedo, judo, taekwondo), với hầu hết số HCV thuộc về các lĩnh vực thế mạnh này, thì kể từ năm 1997, chúng ta có sự tiến bộ vượt bậc, đạt thành tích tốt, giành HCV ở nhiều môn thể thao khác như: Đôi nữ bóng bàn (Trần Thu Hà, Nhan Vị Quân) tại SEA Games 1991, đơn nam bóng bàn (Vũ Mạnh Cường) tại SEA Games 1995, điền kinh (Vũ Bích Hường, 100 m rào nữ) tại SEA Games 1995… Các “mỏ vàng” bắt đầu được khai thác, tạo dựng thương hiệu và vị thế của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, bóng đá nam đã vào đến chung kết SEA Games 1995, mở ra chặng đường mới dành cho môn thể thao vua trong sự quan tâm của người hâm mộ nước nhà.
Tại kỳ đại hội thể thao khu năm 2003, Việt Nam xuất sắc nắm vị trí số 1 toàn đoàn tại SEA Games 2003 trên sân nhà với hơn 150 HCV. Kể từ đó, thể thao Việt Nam luôn góp mặt trong top 3 ở tất cả các kỳ SEA Games, bao gồm cả 2 lần xếp thứ nhì tại kỳ đại hội vào năm 2009 (Lào) và 2019 (Philippines)…
Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, cùng với tài năng của HLV Park Hang SEO, bóng đá nam Việt Nam hai lần lên ngôi vô địch, chấm dứt cơn khát vàng sau hàng thập kỷ, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh thực sự của bóng đá Việt Nam.
3. Tham dự SEA Games 32 tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 89 đến 120 HCV. Sau hai tuần tranh tài sôi nổi và quyết liệt, lần đầu tiên Việt Nam dẫn đầu thành tích huy chương toàn đoàn mà không phải là nước chủ nhà vừa là sự khẳng định vị thế, vừa cho thấy tiềm năng rất lớn của thể thao nước nhà.
Thành tích 136 HCV, 104 HCB và 114 HCĐ không phải là con số, mà nó là biểu tượng của sự vươn lên của thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 32, nhiều đội tuyển thể thao của chúng ta thể hiện sự lấn át tuyệt đối. ĐT Aerobic giành trọn 5 HCV, ĐT lặn không có đối thủ khi giành tới 14 HCV, hay như các đội tuyển Vật (13 HCV), Karate (6 HCV), Judo (8 HCV)… đều dẫn đầu ở các môn của mình.
Điều đáng khâm phục, có nhiều môn thể thao mới các VĐV của Việt Nam mới chỉ tập luyện trong thời gian ngắn như Cờ ốc, Kun Bokator, Kun Khmer vẫn giành những tấm HCV đầy ấn tượng.
Nếu Nguyễn Thị Oanh nói về hành trình thành công, thì hình ảnh các cô gái đội bóng đá nữ Việt Nam chính là đích đến của thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 32, dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, các cô gái nhỏ bé nhưng bản lĩnh một lần nữa thể hiện đẳng cấp của những nhà vô địch. Đánh bại Myanmar 2-0 trong trận chung kết SEA Games 32, ĐT bóng đá nữ Việt Nam vô địch lần thứ 4 liên tiếp và lần thứ 8 đoạt tấm HCV trong 13 kỳ SEA Games tổ chức có bóng đá nữ (mà hai kỳ đầu đội nữ Việt Nam không tham dự).
Sau trận thắng, Liên đoàn bóng đá châu Á đã vinh danh bóng đá nữ Việt Nam, mô tả chiến công của thầy trò HLV Mai Đức Chung là lịch sử.
4. SEA Games 32 không phải không có nước mắt với các tuyển thủ Việt Nam. Không ít đội tuyển thể thao của chúng ta không đạt thành tích đề ra. Tuy nhiên, thành tích dẫn đầu toàn đoàn khi đại hội được tổ chức ở nước ngoài, bỏ xa Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương, cho thấy bước tiến mạnh mẽ của thể thao Việt Nam, khẳng định vị thế số 1 khu vực ở thời điểm hiện tại, trong đó có nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic.
SEA Games 32 khép lại nhưng mở ra hy vọng và sự tự tin mới cho thể thao Việt Nam. Những người hâm mộ thể thao nước nhà hoàn toàn có thể kỳ vọng sau đây, sẽ có nhiều các VĐV của Việt Nam được đứng trên bục chiến thắng ở những sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic hay World Cup.
Thành công của Nguyễn Thị Oanh, của ĐT bóng đá nữ Việt Nam hay tạm gọi là thất bại của ĐT bóng đá Nam và của nhiều môn thi đấu khác vừa là bài học, vừa là động lực để các VĐV tiếp tục vươn lên.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm