Thị trường hàng hóa
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, cần thiết phải xây dựng cơ chế liên vùng cũng như chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Tại Diễn đàn "Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây", ông Dương Tiến Lâm - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại Đà Nẵng - cho biết, thực tế hoạt động logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính do thời gian làm thủ tục, vận chuyển hàng hóa quá lâu; quy định tờ khai hải quan ở mỗi quốc gia mỗi khác, chưa áp dụng được tờ khai hải quan chung của ASEAN.
Theo ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, trên EWEC đang có những rào cản, điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng cần được khơi thông. Trong đó, hạ tầng không đồng bộ khiến khai thác vận tải đứt đoạn, chi phí logistics rất cao.
Liên quan đến vấn đề này, ông Pha-nom-khon - Trưởng Ban quản lý Đặc khu kinh tế Savan - Senvo (tỉnh Savannakhet, Lào) - thông tin, đặc khu kinh tế nằm ở trung tâm tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong khu kinh tế lại chọn tuyến đường vận chuyển hàng hóa qua cảng Thái Lan, thay vì cảng Đà Nẵng. Bởi thủ tục hàng hóa qua cảng Thái Lan thuận lợi hơn, chi phí rẻ hơn.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) - cho rằng, cần hình thành cơ chế phối hợp liên vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt, đảm nhận các dịch vụ logistics chất lượng cao.
Là điểm cuối tuyến EWEC, ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng - cũng đề xuất cần có ban điều phối liên vùng, có cơ chế phối hợp liên vùng để những chính sách, đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp sau những hội thảo, hội nghị về phát triển logistics đi vào thực tế, có hiệu quả.
Cùng với cơ chế liên vùng, xây dựng những chính sách ưu đãi đủ mạnh để hấp dẫn các nhà đầu tư vào dịch vụ logistics tại tuyến EWEC. Thiết lập một cơ chế hợp tác trực tiếp để các quy định của pháp luật về thông quan hải quan được thuận lợi hơn và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trên tuyến EWEC. Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Đại diện Bộ Công Thương tham dự diễn đàn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển. Bên cạnh đó, đối với thành phố Đà Nẵng - điểm cuối của tuyến hàng lang, phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức.
"Bộ Công Thương với vai trò cơ quan đầu mối phát triển logistics quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics; hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng và đầu tư trong lĩnh vực logistics" ông Trần Thanh Hải - nhấn mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm