10:30 22/10/2022
Những điểm tham quan thú vị dành cho du khách lần đầu đến làng cổ Đường Lâm
Nếu có dịp đến tham quan, du lịch tại làng Việt cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm những địa điểm lịch sử dưới đây.
Cổng làng cổ Đường Lâm xây dựng vào năm 1533 với kiến trúc "thượng gia hạ môn" được xem là biểu tượng cho văn hóa Bắc Bộ vùng châu thổ Sông Hồng. Đây là cổng làng duy nhất còn lại tại Làng cổ Đường Lâm. Cổng làng luôn là chỉ dấu mà mọi người con xa quê tìm kiếm đầu tiên khi trở lại quê nhà - Ảnh: Đình Trung
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh là nơi thờ vị anh hùng hào kiệt đất Đường Lâm nổi tiếng với tinh thần bất khuất hiên ngang không chịu khuất phục trước thế lực ngoại bang khi ông lãnh trọng trách đi sứ phương Bắc qua câu đối "Đằng giang tự cổ huyết do hồng". Kẻ địch đã phải mổ bụng ông để xem gan người Việt thế nào mà dám chống lại thiên triều... Ảnh: Đình Trung
Đình Mông Phụ là công trình văn hóa đặc trưng cho hoạt động làng xã được xây dựng với 6 hướng tỏa ra như một bông hoa, kiến trúc kiểu nhà sàn với 2 lớp đình mái cong nghệ thuật. Đây là nơi diễn ra các hoat động của cộng đồng dân cư bản địa như: tế lễ, hội họp... Ảnh: Đình Trung
Nhà cổ ông Hà Hữu Thể là kiểu nhà đặc trưng vùng nông thôn Bắc Bộ với kiến trúc 7 gian 2 dĩ, mái nhà cánh diều, ngói di. Nhà có niên địa gần 400 năm được xây dựng vào thời Lê - Ảnh: Đình Trung
Nhà ông Hà Nguyên Huyến là ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp nhất tại Làng cổ Đường Lâm. Chủ nhân đã gìn giữ rất tốt nguyên trạng kiến trúc kiểu "nội tự ngoại khách" trải qua hàng trăm năm với nội thất cổ: Nhang án, gian thờ, câu đối... Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nghề làm tương truyền thống từ ngô, gạo nếp với trải qua hàng trăm năm hương vị dân giã mà quý khách không thể bỏ qua... - Ảnh: Đình Trung
Nhà cổ ông Hùng là ngôi nhà cổ nhất Làng Đường Lâm được xây dựng từ năm 1649 với 3 gian 2 trái, trong nhà còn giữ được bức văn khấn cầu an bằng chữ Nôm rất có giá trị văn hóa và nghệ thuật... Ảnh: Đình Trung
Đền Phủ là ngôi đền có niên đại hàng trăm năm tuổi được xây dựng để tôn thờ Vương phi Chúa Trịnh Tráng - Bà Nguyễn Thị Ngọc Dong - người có công xây dựng chùa Mía, chợ Mía, bến sông đem lại đời sống ấm no cho dân làng - Ảnh: Đình Trung
Nhà làm kẹo Hiền Bao là một địa diểm tham quan thú vị tại làng Đường Lâm, bởi nơi đây có nghề làm kẹo lâu đời được người dân lưu truyền đến tận ngày nay: "Lên phố Mía gặp cô hàng mật, kẹo tay lại hỏi thăm đường" - Ảnh: Đình Trung
Chùa Mía là danh lam nổi tiếng Xứ Đoài có hiệu là Sùng Nghiêm Tự. Đây là ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia với 287 pho tượng (ngôi chùa cổ có nhiều tượng phật nhất cả nước). Đặc biệt tượng Phật nơi đây được làm từ vật liệu đặc trưng làm nên tên tuổi vùng đất nhiều văn hóa này đó từ vôi và mật mía... Ảnh: Đình Trung
Đình Phùng Hưng là nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802). Ông là một trong hai vị Vua nổi tiếng của vùng đất này với chiến công lẫy lừng đánh tan quân nhà Đường năm 791. Hàng năm chính quyền và người dân nơi đây vẫn tổ chức lễ hội rất quy mô và long trọng... Ảnh: Đình Trung
Lăng Ngô Quyền là nơi có đền thờ và lăng của vị Vua thứ 2 Ngô Quyền (897 - 944) xuất thân từ vùng đất địa linh nhân kiệt Đường Lâm với chiến công oanh liệt năm 938 chấm dứt hàng ngàn năm đô hộ của nhà Hán, đem lại nền độc lập tự do cho đất nước Việt Nam - Ảnh: Đình Trung
Rặng Duối cổ là khu đất gồm 18 cây Duối cổ ngàn năm tuổi tương truyền là nơi buộc voi trận của Vua Phùng Hưng. Hiện nay nơi đây được vinh danh là Cây di sản Việt Nam - Ảnh: Đình Trung