Thị trường hàng hóa
Chỉ cần lướt nhanh vài phút trên bất kỳ mạng xã hội nào như Facebook, Instagram... có thể dễ dàng đếm được có bao nhiêu người trong danh sách bạn bè đang đi nghỉ dưỡng, mua sắm tại các thương hiệu nổi tiếng hoặc thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời ở ngoài trời.
Xu hướng “du lịch trả thù” và “chi tiêu trả thù” đã tăng mạnh ngay sau đại dịch. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần ảnh hưởng vào làn sóng này. Tuy chi phí cho những cuộc vui ngày càng tốn kém, nhiều người trẻ vẫn sẵn sàng vay nợ để thỏa mãn cơn khát du lịch và giải trí.
Ngọc Hoàng (25 tuổi, nhân viên sale) cho biết chỉ trong 1 tháng vừa qua, số tiền chàng trai trẻ đã chi ra để mua sắm, đi du lịch cùng bạn bè bằng cả 3 tháng lương của anh. Tìm đến những khoản vay, trợ giúp từ gia đình và bạn bè là điều Hoàng phải làm để thanh toán các khoản chi tiêu của mình khi đã từ lâu chàng trai trẻ không có nổi một khoản tiết kiệm.
“Bản thân mình hiểu rõ rằng chưa có khả năng chi trả cho sở thích của mình. Một đôi giày, một chiếc quần hay áo hàng hiệu có lẽ cũng đủ để lấy đi tháng lương của mình nhưng vẫn phải mua vì có những cuộc hẹn khá quan trọng. Bạn bè cũng cứ rủ đi du lịch sau nhiều lần cả nhóm lên kế hoạch mà không thành nên mình thực sự rất muốn đi cùng mọi người. Nếu từ chối thêm nữa, mình cảm thấy rất ngại”, Ngọc Hoàng nói.
Ngoài việc chính bản thân người trẻ thực sự muốn sống “sang chảnh” hơn khi không có điều kiện, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nhìn thấy các KOL, influencer (người có ảnh hưởng), thậm chí là bạn bè dùng bữa ở những nhà hàng sang trọng, nghỉ mát hoặc mua sắm quần áo cũng tạo ra tâm lý “phải giống họ” khó cưỡng lại.
Dù biết rõ và thừa nhận mình đang chi tiêu nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm thay vì nhu cầu cần thiết của bản thân như thanh toán hóa đơn, các khoản phí sinh hoạt hằng ngày… nhưng Hải Anh (26 tuổi, nhân viên hành chính) vẫn chi tiêu "ngoài khả năng" hàng tuần. Lý do cô gái 26 tuổi đưa ra là vì bản thân cũng muốn chia sẻ điều đó trên mạng xã hội.
“Chính xác là có những khoản chi vượt quá ngoài tầm kiểm soát cũng như khả năng chi trả của bản thân nhưng mình vẫn làm. Nhưng mình sợ sẽ bỏ lỡ nếu như không làm ngay nên thà vay nợ để mua sắm, đi chơi rồi trả dần thay vì cứ chờ đợi có đủ rồi mới tiêu”, Hải Anh nói.
Lý giải thêm về lý do này, Hải Anh cho biết một phần lý do khiến cô chi tiêu mạnh tay là do các video review sản phẩm, điểm du lịch của các KOL trên mạng xã hội rất hấp dẫn. Thêm vào đó, việc bạn bè của cô liên tục đi du lịch hay mua sắm cũng khiến cô muốn “bằng bạn, bằng bè”.
Còn đối với Minh Vương (24 tuổi, kế toán), việc mua sắm hay chi tiêu quá tay là một thói quen của Vương trong vài năm vừa qua. “Mắc nợ” cũng trở thành một việc “bình thường” đối với chàng trai trẻ. Tuy nhiên, khi các khoản nợ ngày một tăng mà thu nhập thì không ổn định, chàng trai trẻ đang gặp phải những áp lực và căng thẳng nặng nề.
“Càng lún sâu vào “vòng xoáy” này, mình càng không biết dứt ra như thế nào. Khoản nợ hiện tại nằm ngoài khả năng chi trả của mình. Những món đồ mình mua mặc một lần xếp đầy tủ và những chuyến đi “vô thưởng vô phạt” đôi khi chỉ với những người bạn mới quen khiến giờ đây mình cảm thấy rất áp lực. Mình sợ sẽ không trả hết được khoản nợ đang mang và làm ảnh hưởng đến gia đình”, Minh Vương chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng, mặc dù phần lớn nhóm trẻ tuổi này nói rằng các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tài chính của họ, nhưng nỗi sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO (Fear Of Missing Out) lại tác động lớn hơn.
“Nhiều người trẻ đang có xu hướng mua sắm, đi du lịch hay “tận hưởng” cuộc sống như vậy để tạo ấn tượng trong mắt người khác. Tuy nhiên, nếu thu nhập không tỷ lệ thuận với việc giá cả tăng liên tục, người trẻ sẽ nghèo nhanh hơn và gặp khó khăn ngay lập tức”, chuyên gia chia sẻ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm