Thị trường hàng hóa
Xie Yuke tham dự hơn 40 đám cưới trong 2 năm qua và đang kiếm sống từ việc này. Cô gái 22 tuổi đã bay hơn 140.000 km và đi khắp Trung Quốc để làm phù dâu chuyên nghiệp từ năm 2020 đến nay. Vài năm trước, Xie vô tình nhìn thấy quảng cáo về tìm phù dâu chuyên nghiệp và quyết định thử. Trong một đám cưới, cô gái 22 tuổi thường giả làm bạn thân của cô dâu hoặc bạn học cùng lớp. Cô hầu hết được bao chi phí đi lại và ăn ở. Thù lao điển hình là 500 - 2.000 nhân dân tệ (74 - 296 USD) mỗi ngày. Để tròn vai, Xie phải thức dậy lúc 4h30, mặc quần áo và tự trang điểm nhẹ. Sau đó, cô đi cùng cô dâu để thay quần áo, chụp ảnh và nâng ly cảm ơn khách mời cho đến khi tiệc kết thúc vào khoảng 20h.
Theo Sixth Tone, các hạn chế đi lại vì Covid-19 khiến việc tìm kiếm bạn bè có thể dự đám cưới rất khó khăn. Trong khi đó, một số cặp đôi phàn nàn rằng họ không thể tìm được những người bạn đạt tiêu chuẩn đó là phù dâu phải chưa kết hôn và không được cao hơn cô dâu. Chiều cao lý tưởng của một phù dâu là 1,55m. “Dịch bệnh là con dao hai lưỡi. Một số cặp đôi đang trì hoãn đám cưới của họ. Mặt khác, nhiều bạn bè của cô dâu không thể đi lại do dịch bệnh. Nhìn chung, điều này giúp nghề phù dâu chuyên nghiệp nở rộ”, Xie Yuke nhận xét.
Hiện giờ, Xie Yuke có một doanh nghiệp riêng kinh doanh dịch vụ này, có trụ sở tại Hàng Châu với hơn 50.000 nhân công. Cô cho biết, số lượng thành viên đăng ký tăng từ vài nghìn người khi mới thành lập vào tháng 2 lên khoảng 50.000 ở hiện tại. Trung bình, nền tảng nhận được 10-20 đơn đặt hàng/ngày trong tháng qua.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy, những năm trở lại đây, độ tuổi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc ngày một cao, thanh niên trẻ đang có xu hướng kết hôn muộn hơn, thậm chí không ít người còn theo đuổi chủ nghĩa độc thân. Song Trung Quốc là đất nước tỷ dân và hôn nhân là điều không thể thiếu trong xã hội. Thị trường phù dâu vẫn có tương lai. Cao Zhonghua, chuyên gia tại Hội đồng Xúc tiến Văn hóa Truyền thống Trung Quốc nói với CCTV rằng, đây là ngành nghề đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc và dự kiến tăng trưởng 25-30% mỗi năm.
Hai năm làm nghề phù dâu, Xie Yuke tham dự mấy chục hôn lễ và vô cùng quen thuộc với nghề này. “Nghề làm phù dâu không xem là công việc ổn định, nhưng với xu thế hiện tại thì rất có tương lai”, cô nói. Từ nhận định này, tháng 2.2022, Xie Yuke thành lập công ty cung cấp dịch vụ cho thuê phù dâu phù rể. Tháng 7.2022, Xie Yuke chính thức cho ra mắt ứng dụng “Phù dâu phù rể thuê”, hiện tại đã có 59.000 tài khoản đăng ký.
Xie Yuke phân phù dâu, phù rể thành 3 cấp. Cấp A là biết nhảy múa, ca hát và biểu diễn trong tiệc đám cưới. Cấp B là có kinh nghiệm làm phù dâu. Cấp C là làm công tác hậu cần giúp đỡ thực hiện quy trình hôn lễ. Đương nhiên, mỗi cấp sẽ có phí dịch vụ khác nhau. Thông thường, mỗi phù dâu hoặc phù rể sẽ nhận được 400 NDT (hơn 1,3 triệu đồng) cho một buổi hôn lễ. Song bất kể cấp độ nào, nhân viên phải ghi nhớ một nguyên tắc: Không được nói mình là người được thuê đến. Đến hiện tại, ứng dụng phù dâu của Xie Yuke đã “lót vải thêu hoa” cho hơn 1.000 đám cưới. Ngoài ra, cô còn trở thành gương mặt được biểu dương trong buổi lễ lớn ở Trường đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam.
Không biết nghề làm phù dâu này có thể tồn tại được bao lâu, nhưng Xie Yuke vẫn đang không ngừng cố gắng, tiếp tục mở rộng sự nghiệp của mình. Bản thân Xie Yuke cũng chỉ là sinh viên mới ra trường, phía trước còn nhiều sóng gió và cơ hội, cô sẵn sàng tiếp nhận những cuộc thay đổi, dù tốt hay xấu. Nhiều người khâm phục và ngưỡng mộ trước đầu óc kinh doanh của Xie Yuke, nhưng cũng không ít người khinh thường ngành nghề cô đang làm.
Đối diện với dư luận trái chiều, Xie Yuke chỉ thản nhiên nói: “Hôn nhân là quá trình thuận theo tự nhiên. Chúng tôi chỉ là đang giúp các buổi tiệc đám cưới thêm phần đặc sắc mà thôi”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm