Thị trường hàng hóa
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về các cơ sở sản xuất muối ớt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc sản đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 2 vừa qua.
Nằm ở trung tâm tỉnh Tây Ninh, thị xã Hoà Thành được biết đến là khu vực có nhiều cơ sở, hộ dân làm nghề muối ớt. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu phố Long Kim, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành.
Dọc theo các trục đường lớn, hương vị muối ớt bắt đầu thoang thoảng, có lẽ cũng vì cái vị mặn nồng đó mà bất cứ du khách nào đến Tây Ninh cũng muốn mang loại đặc sản này về.
Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, du khách rất dễ nhận biết các cơ sở, hộ dân làm nghề muối ớt thủ công ở Tây Ninh, ngoài cảm nhận bằng khứu giác thì hầu hết các hộ đều có một đống củi lớn trước nhà.
Ghé thăm gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc Nga, chủ cơ sở muối ớt Ngọc Nga ở khu phố Long Kim, thời điểm này cô Nga vẫn đang tất bật giao hàng cho khách. Theo cô Nga, nghề làm muối ớt quanh năm nhưng khoảng tháng 8, Tết Âm lịch và tháng giêng là vào mùa cao điểm bởi lượng khách đến Tây Ninh đông so với các tháng trong năm.
Cô Nga bén duyên với nghề muối ớt từ năm 33 tuổi, lúc đó cô được mấy chị em trong xóm chỉ, từ sự tò mò, thích thú, cô bắt đầu học nghề, những ngày đầu khá gian truân vì các mẻ muối làm ra không được như ý muốn, thay vì bỏ cuộc cô dồn hết tâm sức nêm nếm, thay đổi quy trình, cuối cùng mẻ muối làm ra cũng được mọi người khen ngon.
Năm nay, dù đã bước qua tuổi 47 nhưng cô Nga vẫn gắn bó và rất yêu cái nghề truyền thống của ông cha. Cô cho biết, Tây Ninh có rất nhiều cơ sở, hộ gia đình làm nghề muối ớt nhưng thành phẩm mỗi nơi mỗi khác bởi nhà nào cũng có công thức, bí kíp riêng.
Để có được muối ớt ngon, đạt chất lượng, cô Nga dành thời gian chọn từng loại nguyên liệu, từ tỏi, ớt, muối... rồi mới tập trung cho các công đoạn rang, sấy, phơi.
“Nhiều người thắc mắc vì sao giá bán muối ớt của nhà tôi lại cao hơn một số chỗ nhưng khi ăn rồi họ tiếp tục quay lại ủng hộ. Từ trước đến nay, tôi rất chú trọng việc chọn nguyên liệu, ớt không mua ở chợ mà tới tận nhà vườn để lấy vì ớt ở chợ đôi lúc không cay, khi làm sẽ không đảm bảo hương vị. Mẻ muối sau khi ra thành phẩm tôi sẽ đem ra phơi khoảng 2, 3 nắng rồi mới vô sấy lại”, cô Nga nói.
Hiện nay, số lượng người làm nghề ngày một nhiều, mức độ canh tranh tăng cao nhưng nghề muối ớt vẫn mang lại cho gia đình cô Nga thu nhập ổn định. Đặc biệt, sau khi nghề làm muối được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các đơn hàng của cô Nga ngày một tăng dần, lượng người biết đến sản phẩm muối ớt của cô cũng nhiều hơn.
“Cái nghề mình làm được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, cảm giác vui, hạnh phúc lắm, thấy các sản phẩm được người dân, du khách tin dùng, tôi càng mừng và có động lực để gắn bó với nghề hơn”, cô Nga bộc bạch.
Cách đó không xa, tại cơ sở sản xuất muối ớt và bánh tráng trộn của chị Huỳnh Thị Lệ, hơn 10 công nhân vẫn đang tất bật bên các công đoạn để kịp các đơn hàng trong mùa du lịch cao điểm.
Chị Lệ cho biết, sau mùa dịch Covid-19, nhất là từ lúc nghề làm muối ớt được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, hoạt động sản xuất tại cơ sở nhộn nhịp hơn hẳn. Có những thời điểm, cơ sở có hơn 20 người làm.
“Sản lượng gấp đôi trước dịch, nhiều lúc phải thức đêm để kịp giao cho khách, nhà tôi kinh doanh chủ yếu là bánh tráng nhưng vẫn làm muối ớt để trộn bánh và bán cho khách hàng, chủ yếu bỏ các mối sĩ lớn”, chị Lệ nói.
Với Yến Nhi, 23 tuổi, nhân công nhỏ tuổi nhất trong cơ sở của chị Lệ, được gắn bó với nghề làm muối ớt truyền thống là điều bản thân em cảm thấy hạnh phúc nhất.
“Mong muốn của em là muối ớt Tây Ninh sẽ phủ sóng thị trường, được nhiều người biết đến hơn. Em hy vọng, sau khi nghề làm muối được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, làng nghề truyền thống của quê hương sẽ ngày càng phát triển và được nâng tầm mạnh mẽ”, Yến Nhi chia sẻ.
Hiện tại ngoài bỏ sỉ, cơ sở kinh doanh của chị Lệ còn giới thiệu các sản phẩm tại hội chợ.
“Tôi năm nay 75 tuổi, chứng kiến nghề làm muối ớt từ lúc mới khai sinh, vừa rồi biết tin nghề làm muối được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tôi mừng còn hơn tết. Giờ mình già không làm nghề nữa nhưng thế hệ con cháu vẫn gắn bó, khi trở thành di sản rồi nghề này sẽ ngày càng phát triển, cuộc sống người dân sẽ tốt hơn”, bà Tiếp, thị xã Hoà Thành chia sẻ.
Muối ớt Tây Ninh thường có 3 dạng hạt (kiểu hạt to, hạt nhuyễn, hạt mịn với đủ loại), muối ớt tôm cay nhẹ, vị mặn gắt; muối tôm hành phi ít mặn, cay nhẹ, nồng nàn mùi tôm hoà quyện cùng vị thơm của hành, tỏi phi; muối tôm đỏ hạt to, ít mặn, vị cay nhẹ, thơm mùi tôm…
Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, các hộ gia đình làm nghề muối ớt dần áp dụng các loại máy móc hiện đại như lò sấy, lò nướng, cũng nhờ đó hiệu quả và năng suất ngày càng tăng cao.
Nhiều gia đình, cơ sở sản xuất muối ớt trên địa bàn Tây Ninh mong muốn địa phương, các nhà đầu tư xây dựng các mô hình tham quan nghề sản xuất muối ngay tại địa phương để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế tỉnh nhà. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở đăng ký thương hiệu hành nghề làm muối ớt chính thức, tập trung ở huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hoà Thành, TP Tây Ninh và rải rác ở huyện Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu...
Ngoài muối ớt, Tây Ninh còn có nhiều di sản văn hoá phi vật thể quốc gia như: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Múa trống Chhay dăm, Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen, Lễ hội Quan Lớn Trà Vong Tân Biên và Nghệ thuật chế biến món ăn chay.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm