Thị trường hàng hóa
Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 1-3/9 với nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng của vùng đất bazan; hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến trái cây, sản phẩm nông sản của huyện; lễ hội đường phố; liên hoan hát dân ca và tấu nhạc cụ dân tộc; ngày hội văn hoá các dân tộc…
Năm nay, người trồng sầu riêng của huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung đón nhận nhiều niềm vui khi sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và cũng là lần đầu tiên huyện Krông Pắc tổ chức Lễ hội Sầu riêng.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 15.000 ha sầu riêng, chiếm 17,6% và đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng sầu riêng. Trong đó, huyện Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng lớn của tỉnh với diện tích sản xuất cây sầu riêng có 3.341ha (diện tích cho thu hoạch khoảng 2.400 - 2.500ha), tổng sản lượng ước tính đạt 45.000 tấn/năm.
Những năm gần đây, huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người trồng sầu riêng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối đầu tư, hợp tác giao thương để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng và quản lý vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Các cơ sở chế biến đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I - năm 2022 là bước ngoặt để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm từ trái sầu riêng của địa phương; là dịp để địa phương quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho du khách mọi miền; đây cũng là dịp để địa phương xúc tiến mời gọi đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ sầu riêng và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm