Thị trường hàng hóa
Những năm qua, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã tham gia cứu hộ, phục hồi, huấn luyện nhiều cá thể mèo rừng quý hiếm đủ khả năng quay về tự nhiên.
Vận động giao nộp, tìm cách mua lại, thu giữ, bắt giữ… đó là muôn vàn cách để cứu hộ mèo rừng của các lực lượng chức năng cũng như người dân tham gia giải cứu. Thậm chí có những chú mèo rừng đang bị nhà hàng chuẩn bị lột da, lấy lông làm thịt cũng được giải cứu một cách ngoạn mục.
Ông Hoàng Văn Thái - cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và thát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương (CPCP) chia sẻ: Mỗi khi nhận được thông báo cứu hộ là chúng tôi sẵn sàng lên đường. Nhiều lúc hai, ba giờ sáng, điện thoại báo có cá thể mèo rừng cần giải cứu là chúng tôi sẵn sàng vượt qua quãng đường dài hàng trăm, hàng nghìn km để phối hợp cùng các lực lượng chức năng và người dân để cứu hộ kịp thời. Nhớ lại những ngày đầu tháng 5/2022 vừa qua, khi được Công an tỉnh Điện Biên thông báo có một gia đình mèo rừng đang được nuôi tại nhà dân, lập tức ông Thái cùng anh em Trung tâm CPCP và Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) lên đường. Thời điểm cơ quan chức năng tiếp nhận, hai cá thể bố mẹ có trọng lượng lần lượt là 4,3 kg và 3,1 kg; 3 cá thể con đều có trọng lượng 0,3 kg/cá thể. Đây là một trong những vụ việc giải cứu, tiếp nhận các cá thể mèo rừng lớn nhất từ trước tới nay do các đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện. 5 cá thể mèo rừng được đưa vào Trung tâm CPCP, chỉ sau một thời gian ngắn chăm sóc, huấn luyện, gia đình mèo rừng có sức khỏe tốt, ăn uống bình thường và đã được thả về với môi trường tự nhiên.
Điển hình gần đây, anh Lưu Tiến Lợi ở tỉnh Tuyên Quang đã chủ động liên hệ với Công an huyện Hàm Yên để giao nộp 3 cá thể mèo rừng được tặng. Qua tìm hiểu, anh Lợi thấy 3 cá thể mèo này thuộc động vật quý hiếm cần bảo tồn nên đã chủ động liên hệ với Công an huyện để giao nộp. Hiện 3 cá thể mèo rừng đang được chăm sóc đặc biệt tại khi vực kiểm dịch của Trung tâm CPCP chờ ngày tái thả.
Không được người dân giao nộp, có những cá thể mèo rừng lại do lực lượng chức năng giả làm người mua để giải cứu. Trong đó, điển hình là trường hợp giải cứu một cá thể mèo rừng được rao bán bởi một người buôn bán động vật hoang đã tự bẫy mèo rừng. Để cứu hộ, lực lượng chức năng đã giả làm người đi mua mèo để bắt quả tang người bán và thuyết phục người này giao nộp. Cá thể mèo này sau đó đã được cứu hộ đưa về Trung tâm CPCP chăm sóc với tình trạng ban đầu rất hoảng loạn. Sau một thời gian, cá thể mèo rừng đã ăn uống bình thường và khá linh hoạt.
Ngoài việc cứu hộ, tiếp nhận, những người làm công tác ở Trung tâm CPCP còn chăm sóc, huấn luyện và hồi sinh nhiều cá thể mèo rừng đang gặp nguy cấp.
Giám đốc Trung tâm CPCP Lê Phương Triều cho biết: Cứu hộ những chú mèo rừng đã khó nhưng việc chăm sóc, phục hồi, huấn luyện giúp chúng đủ khả năng quay về tự nhiên và tái hoang dã lại là công việc khó khăn gấp bội. Nếu chỉ đơn thuần là tái thả sau cứu hộ về môi trường tự nhiên thì không quá khó khăn, nhưng tái thả mèo rừng mang tính bảo tồn mà Trung tâm đang nỗ lực thực hiện và hướng tới theo đúng tiêu chuẩn IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên) thì quả thực rất khó.
Sau khi được giải cứu và tiếp nhận tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, những chú mèo rừng được nhân viên Trung tâm CPCP đặt tên, làm hồ sơ để chăm sóc, chữa trị, theo dõi và phục hồi tập tính, ổn định tâm lý. Công việc huấn luyện giúp các cá thể mèo rừng đủ khả năng quay về tự nhiên và tái hoang dã đòi hỏi sự kiên trì và lòng đam mê của mỗi cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Đại Lải là một trong những cá thể mèo rừng đầu tiên được cứu hộ và chuyển giao đến Trung tâm CPCP bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc. Khi đến Trung tâm, Đại Lải còn rất nhỏ, chỉ khoảng 3 tuần tuổi và nặng 290g. Đại Lải nhớ mẹ không chịu ăn, suốt ngày nằm dài với ánh mắt buồn bã, mệt mỏi. Chính sự quan tâm của đội ngũ chăm sóc tại trung tâm đã giúp Đại Lải linh hoạt trở lại. Các nhân viên tại trung tâm đã trở thành gia đình thứ hai của Đại Lải. Có một điều đặc biệt, bình thường những chú mèo rừng khác chỉ chăm sóc tại trung tâm khoảng 1 đến 2 năm, thậm chí chỉ vài tháng là có thể đưa về với rừng tự nhiên nhưng với Đại Lải đã qua 14 năm mà vẫn chưa chịu rời “ngôi nhà” thân yêu của mình. Đến trung tâm từ tháng 8/2012, chú mèo rừng Lục Ngạn được cứu hộ và chuyển giao về Trung tâm CPCP chăm sóc. Lục Ngạn bị thợ săn bắt khi còn rất nhỏ, do không thuyết phục được thợ săn thả về rừng, một gia đình người dân ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mua lại và giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh. Về với Trung tâm CPCP, Lục Ngạn đã được các nhân viên chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để trở về rừng, trở về với mẹ thiên nhiên.
Còn với cô mèo rừng Xinh, đến Trung tâm CPCP từ tháng 6/2018. Mèo Xinh được bàn giao khi Trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Pù Mát tịch thu từ nhà dân nuôi lâu năm. Khi chuyển đến Trung tâm CPCP, Xinh bị thị lực kém cần theo dõi, có thể do chăm sóc nuôi nhốt lâu năm và chế độ thức ăn không phù hợp. Nhờ chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế , sức khỏe Xinh đến nay đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do bị nuôi nhốt lâu năm nên cô mèo đã mất bản năng hoang dã, không thể về rừng.
Có thể thấy, mỗi cá thể mèo rừng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương một số phận và những câu chuyện như một cuộc hành trình hồi sinh. Đó chính là kết quả nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chính những nỗ lực của họ đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của cộng đồng, cứu nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm