Thị trường hàng hóa
Chùa Bối Khê (tên khác là Đại Bi tự) là một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần, đồng thời mang nhiều giá trị nổi bật cho quá trình phát triển của Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.
Theo các bậc cao niên, chùa Bối Khê là một trong các công trình kiến trúc được cho là xây dựng vào khoảng năm 1338, thời Trần. Ngôi chùa này thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thành Bối Nguyễn Đình An – người có công đánh giặc phương Bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo.
Tuy nhiên, có giả thiết chùa được khởi dựng từ thời Lý, căn cứ trên khối đá chạm phong cách thời Lý được phát hiện năm 1999 và các văn bia niên hiệu Thái Hòa (1454), Hồng Thuận (1515) đặt tại chùa, văn bia niên hiệu Gia Long (1805) hiện ở Quán Thánh (xã Tiên Phương, Chương Mỹ). Các văn bia này có nhiều đoạn ghi khá rõ khả năng chùa được lập từ thời Lý và mang tên Đại Bi.
Ngôi chùa thời Lý có lẽ đã bị hủy hoại và được trùng tu lớn vào thời Trần. Nhiều kiến trúc và mảng chạm khắc cho thấy ngôi chùa này có từ đầu thời Trần. Một điểm đặc biệt trong việc xác định niên đại ở chùa Bối Khê là các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm và cho kết quả khẳng định chùa có niên đại ít nhất là từ thời Trần (thuộc thế kỉ XIV).
Chùa Bối Khê còn là một trong số ít công trình kiến trúc cổ của người Việt còn lưu lại hình thức đấu củng với tư cách là một thành phần kết cấu chịu lực. Việc nghiên cứu về chùa Bối Khê đã được các học giả Pháp bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX và sau đó là các nhà nghiên cứu Việt Nam thúc đẩy liên tục từ những năm 1960 đến nay.
Theo tìm hiểu, chùa Bối Khê còn ngôi chùa đặc trưng cho dạng thức "tiền Phật, hậu Thánh". Chùa thờ Phật ở phía trước. Tuy nhiên, đã số các pho tượng được văn bia mô tả trước thời Nguyễn đều không còn, chỉ trừ hai pho tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay và Bà Hậu (thời Mạc) ở vị trí tôn chủ của Thượng điện.
Tam quan được dựng vào năm 1603 thời Lê Trung Hưng. Hạng mục kiến trúc này được sửa chữa vào năm 2006. Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu "tiền Phật, hậu Thánh", trên diện tích 5.000m2.
Việc thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp đó đến tòa thiệu hương và thượng điện là nơi thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình "nội công ngoại quốc" bởi hai bên có hai dãy hành lang.
Năm 1979, chùa Bối Khê đã được Bộ trưởng Bộ văn hóa và thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Bối Khê là một ví dụ điển hình cho sự hòa quyện giữa Phật giáo và Đạo giáo. Chùa thờ Đức Thánh Bối ở phía sau. Đức Thánh Bối là người làng Bối, sinh thời Ngài tu tại chùa Bối Khê. Ngài có công giúp vua Trần đánh giặc ngoại xâm nên được vua Trần phong cho làm Thượng đẳng thần. Ngoài ra, chùa Bối Khê còn là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần.
Theo ghi nhận, người dân khi đến chùa Bối Khê tham quan, hương khói thì cần phải đi qua hệ thống cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm 3 gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Văn Công (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) cho biết: "Kiến trúc của chùa Bối Khê được bố trí theo trục Tây - Đông rất độc đáo. Chúng tôi đã từng đến ngôi chùa này tham quan, vãn cảnh và thấy rằng đây là một trong số những ngôi chùa cổ kính. Nếu có thể, địa phương có thể nghiên cứu đưa du khách đến với chùa để lan tỏa những giá trị, nét văn hóa đặc sắc cũng là điều hay".
Đặc biệt, khu vực bậc thềm phía trước thượng điện tại chùa Bối Khê còn lưu giữ vết tích của gạch cả thời Mạc và thời Lê, với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Một số mảng chạm còn xuất hiện ở cả phần mặt dưới của vì mái, nơi mà phần lớn các chùa khác thường để trơn, không chạm khắc gì.
Thượng điện là kiến trúc một gian - hai chái độc lập. Riêng Thượng điện là kiến trúc có nhiều cấu kiện mang niên đại từ thời Trần. Các cột Thượng điện lớn và thấp, bộ vì kèo có cốn hình lá đề. Đầu các bẩy chạm hình rồng thời Trần, một số đầu đao còn có cả chim thần Garuda. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì Thượng điện ngày nay mang đậm dấu ấn thời Mạc (bộ vì chồng rường - giá chiêng, các cấu kiện mập và kích thước lớn, đầu rồng trên đầu xà mặt trước) và cả thời Nguyễn (cột, nền, thành phần bao che, bộ mái). Các dấu vết Trần, Mạc, Nguyễn nói trên đã bị xóa sổ khi tiến hành sửa chữa lớn năm 1995.
Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng, hay tiên… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, hoặc hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau ngã chổng vó, …
Từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc. Ngoài vòng tường chữ "quốc" còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam và ao, giếng, vườn cây.
Hậu cung thờ Đức thánh Bối, với kiểu kiến trúc hai tầng tám mái, bằng gỗ, với nhiều mảng chạm tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…
Đặc biệt, trong vườn chùa Bối Khê có hai cây sen đất, hoa thường có 9 đến 10 cánh lớn trắng ngần, hương thơm ngát, trông như đóa hoa sen, nhụy xanh vàng, ra hoa từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, nở khoảng một tuần mới tàn. Tương truyền, người ta đã từng sang chiết đem cây hoa này trồng ở nơi khác nhưng hầu như không sống được, nên người dân Bối Khê xem như báu vật của làng.
Theo lãnh đạo xã Tam Hưng, Bối Khê là một ngôi chùa đẹp và mang nét kiến trúc độc đáo, các hiện vật phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hoá thuần Việt. Hiện nay, xã Tam Hưng mong muốn đưa chùa Bối Khê trở thành điểm du lịch tâm linh và kiến trúc, mở rộng tiềm năng du lịch của địa phương.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm