Thị trường hàng hóa
Di tích Hải Vân Quan là di tích lịch sử cấp quốc gia duy nhất ở Việt Nam thuộc quyền quản lý của hai địa phương - Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Công trình được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng, nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ngay giữa đường phân chia địa phận hành chính của hai địa phương này.
Cuối năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Dự án trùng tu cụm di tích này theo đúng nguyên gốc Triều Nguyễn. Theo đó, các di tích như Hải Vân Quan, Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hệ thống tường thành nhà Nguyễn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố… được trùng tu bài bản.
Trao đổi với phóng viên ngày 11/7, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết Trung tâm cùng Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất phương án triển khai mở cửa đón khách tham quan di tích Hải Vân Quan.
Ông Tuấn nói thêm, trong phương án thống nhất đón khách du lịch, thời gian đầu mở cửa sẽ miễn phí vé tham quan di tích trong một thời gian nhất định. Việc miễn phí vé này nhằm mục đích đo lường lượng khách, kiểm tra hiệu quả việc tiếp đón, thuyết minh tại di tích… và có thêm thời gian để tiếp thu ý kiến khách tham quan nhằm hoàn chỉnh các thủ tục đảm bảo theo quy định và các thiết chế phục vụ tốt cho khách tham quan.
“Hiện nay mọi thứ cơ bản đã xong, chúng tôi cũng đang báo cáo các cơ quan tham mưu để sắp xếp tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo hai địa phương, sớm xem xét thống nhất phương án thực hiện. Dự kiến phấn đấu đầu tháng 8 tới, di tích Hải Vân Quan sẽ mở cửa đón khách”, ông Tuấn chia sẽ.
Dù đã hoàn thành việc tu bổ di tích Hải Vân Quan, sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan nhưng hiện nay cụm di tích này vẫn đang còn thiếu hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện nay ở di tích này vẫn còn thiếu bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ, điểm bán hàng lưu niệm... Đặc biệt một điểm rất quan trọng mà nơi này còn thiếu đó là khu vệ sinh.
Một điểm nữa là do di tích này nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn nước sinh hoạt tại khu vực này chủ yếu là dùng nước suối và nước mưa dự trữ nên cũng ảnh hưởng đến quá trình hoạt động quản lý, khai thác và phát huy giá trị về sau này.
Công trình cơ bản đã hoàn thành trùng tu và đang hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, bàn giao công trình để đưa vào sử dụng. Nguyên nhân chậm mở cửa đón khách là do di tích này thuộc quyền quản lý của hai địa phương, các quy trình thủ tục từ việc lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng bảo tồn, cơ chế quản lý khai thác… đều phải được sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng liên quan và lãnh đạo của hai địa phương.
“Để hoàn thiện các hồ sơ này mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như việc lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích, cần phải có sự đồng ý của 17 cơ quan, đơn vị ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Các cơ quan tham mưu của hai tỉnh, thành đang nỗ lực hết sức để sớm đưa Hải Vân Quan vào phục vụ du lịch, đón khách tham quan một cách tốt nhất”, ông Tuấn nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm