Thị trường hàng hóa
Rác thải điện tử là cụm từ dùng để chỉ những sản phẩm đồ dùng, thiết bị, linh kiện điện tử từ các cá nhân, hộ gia đình, văn phòng, công sở không còn giá trị sử dụng do cũ, hư hỏng hoặc lỗi mốt được loại bỏ ra ngoài môi trường. Các loại rác thải điện tử phổ biến hiện nay bao gồm những đồ dùng điện tử, điện lạnh như: tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện,…những thiết bị, linh kiện của máy tính như: màn hình, bàn phím, chuột, máy in, vi mạch, bo mạch, con chip,… cho tới những chiếc điện thoại, điều khiển từ xa, các đồ phụ kiện như: tai nghe, loa ngoài, usb…
Rác thải điện tử trong những năm gần đây luôn là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Theo số liệu báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020" từ Liên Hiệp Quốc, tính riêng trong năm 2019, lượng rác thải điện tử toàn cầu là 53,6 triệu tấn nhưng chỉ 17% là trong số đó là được tái chế. Báo cáo cũng cho thấy châu Á là khu vực có nhiều rác thải điện tử nhất với khoảng 24,9 triệu tấn, trong khi đó con số này ở châu Âu là 12 triệu tấn. Ngược lại, tỷ lệ tái chế tại châu Âu lên tới 42% trong khi tỷ lệ này ở châu Á chỉ là 12%. Báo cáo còn đưa ra dự báo, sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Con số này còn có thể tăng lên gấp đôi cho đến năm 2050, khoảng 120 triệu tấn mỗi năm.
Tại Việt Nam, lượng rác thải điện tử hiện nay mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với các nước khác trên thế giới, nhưng đang có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc chỉ ra trung bình mỗi người dân Việt Nam đang thải ra 1,3 kg rác thải điện tử mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng rác thải điện tử được thu hồi và đem đi xử lý đúng quy trình là rất ít.
Rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khoẻ con người do chúng thường không được phân loại, đôi khi bị bỏ chung với những loại rác khác, nhất là những phụ kiện điện tử nhỏ. Ngoài ra các loại rác thải điện tử còn bị thải loại trực tiếp ra ngoài môi trường và rất khó phân huỷ. Các loại rác thải điện tử bản thân chứa rất nhiều kim loại nặng độc hại từ vỏ và các linh kiện còn xót lại bên trong đặc biệt tivi, màn hình máy tính, máy ảnh bên trong có ống tia âm cực có chứa những chất như baric và chì hay bên trong các linh kiện, phụ kiện máy tính thường có đồng, niken, cadmium, crom, thuỷ ngân…
Những chất này sẽ vô tình ngấm vào đất, nước nơi các rác thải điện tử bị bỏ ra gây do trong quá trình tập kết, các vật dụng kia va đập vào nhau khiến các hạt kim loại len lỏi vào trong đó nên xảy ra ô nhiễm đất, nguồn nước và những động, thực vật sống xung quanh cũng bị nhiễm các chất độc từ rác thải điện tử. Từ đó sẽ xâm nhập vào cơ thể con người qua quá trình sinh hoạt gây ra các bệnh về nghiêm trọng về máu, đường tiêu hoá, hệ thần kinh, thậm chí là ung thư,…
Không những thế, nhiều loại rác thải điện tử hiện nay không được xử lý, bảo quản đúng cách khỏi các tác động của thời tiết khiến cho các chất độc hại bị lẫn vào không khí, gây ra ô nhiễm, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của những người tiếp xúc phải. Ví dụ, khi trong điều kiện trời nắng nóng, những đồ vật, linh kiện điện tử không còn giá trị sử dụng ở nơi tập kết phế liệu không có đủ điều kiện để che chắn khiến cho một số loại hoá chất bên trong những rác thải điện tử kia bị bay hơi lẫn vào trong không khí, làm nguy hại đến sức khoẻ con người. Thêm vào đó, các loại rác thải điện tử nhỏ khi bị bỏ chung với các loại rác thải khác đem bỏ ra ngoài môi trường có thể sẽ bị đốt khiến cho khí độc bị phát tán, gây ra các bệnh về đường hô hấp, ung thư cho những người không may nhiễm phải. Nguy hiểm hơn, các chất độc từ rác thải điện tử tại nơi tập kết có thể lan rộng ra các môi trường xung quanh. Điều này khiến cho việc ô nhiễm từ rác thải điện tử có thể gây ra trên diện rộng, làm gia tăng những nguy hại đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng con người.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử gây ra, cần có những hành động thiết thực từ chính những cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng các vật dụng, thiết bị điện tử hằng ngày ngăn chặn việc gia tăng số lượng rác thải ra ngoài môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ con người khỏi những tác động xấu.
Các đồ dùng, thiết bị điện tử bị thải ra ngoài môi trường do một phần là bị hỏng hóc không thể sửa chữa. Do đó, người sử dụng cần chú ý đến những cách có thể giúp cho những đồ dùng, thiết bị điện tử có thể kéo dài tuổi thọ lâu nhất có thể. Điển hình là những thiết bị như máy tính hay điện thoại, người dùng hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ thiết bị như tránh để máy quá nóng, tránh bật nhiều ứng dụng cùng một lúc, chú ý đến việc sạc pin, không lữu trữ quá nhiều tài liệu hay quét virus thường xuyên để phòng việc bị phá huỷ máy,…
Ngoài ra, đối với những đồ dùng điện tử khác như tivi, tủ lạnh, máy giặt,… người sử dụng nên ưu tiên hạn chế dùng các vật dụng đó với công suất tối đa, cài đặt ở các chế độ sử dụng phù hợp và thường xuyên kiểm tra để khắc phục khi những đồ dùng đó gặp lỗi. Không chỉ có vậy, các vật dụng, thiết bị điện tử cũng cần phải được vệ sinh đúng cách, bảo dưỡng theo định kỳ nhằm làm duy trì độ bền cho những đồ dùng, thiết bị đó. Vì thế hạn chế được việc gia tăng rác thải điện tử.
Để các thiết bị, đồ dùng điện tử không trở thành những vật cũ, người dùng nên tích cực nâng cấp, làm mới các thiết bị, đồ dùng điện tử trong nhà. Đặc biệt là với máy tính và điện thoại thông minh, người sử dụng có thể tìm tòi thông tin, áp dụng những thủ thuật kỹ thuật để nâng cấp hệ điều hành, phần mềm cho máy tính và điện thoại thông minh của mình giúp những thiết bị này có thể hoạt động trơn tru hơn.
Thêm vào đó, người sử dụng cũng có thể thay mới những bộ phận bên trong những thiết bị đó để nâng cấp cho thiết bị. Ví dụ, máy tính có thể được thay thế hoặc thêm mới những linh kiện bên trong như: thanh RAM, ổ cứng, card đồ hoạ,… để giúp máy có thể chạy nhanh hơn hoặc đáp ứng được những điều kiện cấu hình mới phục vụ cho việc học tập và làm việc mà không cần phải loại bỏ, mua máy tính mới và các linh kiện điện tử kia cũng có thể được sử dụng lại để nâng cấp một máy tính có cấu hình yếu hơn nếu như chúng chưa bị hư hỏng. Điều này giúp cho những linh kiện điện tử đó không bị bỏ ra ngoài môi trường, hạn chế được ô nhiễm.
Các thiết bị, linh kiện điện tử không còn giá trị sử dụng do hỏng hóc cần phải được bảo quản trong điều kiện về nhiệt độ, không gian phù hợp để có thể đưa tới điểm thu gom một cách an toàn để được đem đi tái chế.
Do các chất bên trong linh kiện, thiết bị có thể làm nguy hại cho người sử dụng và người nhận thu gom nếu như những thứ đó được lưu giữ ở trong môi trường nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt nên người sử dụng cần bảo quản chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để chúng không gây ra tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người trong quá trình thu gom, xử lý và tái chế.
Nếu những thiết bị điện tử không bị hỏng toàn phần, vẫn có một vài bộ phận có thể sử dụng được, người dùng nên tận dụng, biến chúng thành một đồ vật mới để sử dụng. Điển hình đối với laptop, những bộ phận khác hỏng hóc, không thể sử dụng được nhưng nếu màn hình của nó vẫn còn sử dụng được, người sử dụng có thể biến thành một màn hình mới để phục vụ cho công việc hay học tập của mình. Ngoài ra, trong trường hợp người sử dụng có những kiến thức về kỹ thuật, máy móc thì có thể dùng những bộ phận điện tử còn giá trị sử dụng để tạo ra một vật dụng điện tử mới để giúp ích cho cuộc sống hằng ngày.
Những đồ dùng, thiết bị điện tử cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng nên được người dùng đem đến những nơi có thể trao đổi, quyên góp để cho những người có nhu cầu được sử dụng chúng. Việc làm này không những giúp ích cho những người cần sử dụng đến những thiết bị điện tử mà còn giúp giảm thiểu được lượng rác thải điện tử, góp phần bảo vệ môi trường.
Rác thải điện tử đang là vấn đề toàn cầu do việc loại bỏ những thiết bị, đồ dùng, linh kiện điện tử cũ, hỏng ngày một tăng lên. Những chất độc hại bên trong những vật dụng, linh kiện điện tử gây ra những tác hại với môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để hạn chế rác thải điện tử ra môi trường.
Tài liệu tham khảo
https://tuoitre.vn/rac-thai-dien-tu-dang-gia-tang-nhanh-chong-tai-viet-nam-20211015154647418.htm
https://kinhtedothi.vn/thu-gom-rac-thai-dien-tu-van-nhieu-vuong-mac.html
http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/rac-thai-đien-tu-nhan-dien-va-tac-hai-33629-7.html
https://dantri.com.vn/doi-song/cach-toi-uu-do-ben-cho-thiet-bi-dien-tu-trong-gia-dinh-20151208084717576.htm
https://hc.com.vn/ords/ni--cach-nang-cap-may-tinh-de-ban
https://www.cleanipedia.com/vn./su-ben-vung/cach-tai-che-va-xu-ly-rac-thai-thiet-bi-dien-tu-dung-cach.html
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm