Thị trường hàng hóa
Những lời thoại của vở nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn không chỉ chạm tới trái tim của những người trẻ mà còn nói lên tiếng nói của những bậc làm cha, làm mẹ.
Đã lâu lắm rồi sân khấu mới có một tác phẩm nghệ thuật khai thác thành công đề tài gia đình, đặc biệt khai thác những nhân vật ở lứa tuổi dậy thì thành công như vở nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn của Nhà hát Tuổi Trẻ vừa ra mắt.
Rồi tôi sẽ lớn (tác giả Hoàng Anh Tú, đạo diễn NSƯT Lê Ánh Tuyết) kể về câu chuyện “ẩm ương” của các cô bé, cậu bé Hà, Bách, Phi… đang ở độ tuổi “sớm nắng chiều mưa”. Qua những va chạm với gia đình, bè bạn và mọi người xung quanh, biết bao chuyện khóc - cười của con trẻ đã được giãi bày; ở đó có những khi mâu thuẫn thế hệ tưởng chừng không thể giải quyết, dẫn dắt họ bước vào trò ú tim với không ít tình huống bất ngờ, kịch tính. Khán giả không khỏi bật thốt vì thấy bóng dáng của mình ở đâu đó để rồi cùng khóc - cười, cùng ngẫm ngợi, suy tư về hành trình của mỗi con người từ lúc sinh ra, lớn lên tới khi già đi theo năm tháng.
“Hành trình cùng con trưởng thành đôi khi giống trò chơi trốn tìm một chữ Thương vậy. Lũ trẻ thì nói “chúng là kẻ đi tìm sự quan tâm của cha mẹ, nhưng “cha mẹ lại như đi trốn chúng”. Cha mẹ thì cho rằng “con cái bắt họ phải đi tìm”. Người đi tìm cái người đi trốn, người đi trốn cái người đi tìm - biết đến bao giờ gặp nhau nếu như không có một buổi bày tỏ những điều “gan ruột” như thế này?
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, tuổi dậy thì (từ 9-16 tuổi) luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Khoảng cách thế hệ là muôn thuở nhưng ngày nay thường được bọn trẻ “thổi phồng” lên. “Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Có những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ không quan tâm, mà là cha mẹ không hiểu con”, anh nói. Từ trải nghiệm làm cha, làm chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, Hoàng Anh Tú đã đưa vào những câu chuyện đời thực. Mâu thuẫn cha mẹ và con cái được kể cô đọng trong 3 câu chuyện của 3 gia đình.
Những chuyện “nói mãi không hết” được kể khá dí dỏm, khiến khán giả bật cười thú vị. Bách, cậu bé 13 tuổi ước mơ làm streamer nhưng bị mẹ la mắng rồi vùng vằng bỏ nhà đi. Cô bé Hà tức tối vì mẹ đọc trộm nhật ký, ngột ngạt trước sự chăm sóc quá mức của mẹ và thất vọng về người cha lừa dối gia đình. Một cậu bé khác được bố bày trò chơi nói chuyện “như hai người đàn ông”, cuối cùng cậu vẫn bị bố lấy quyền “tôn ti trật tự” để áp đặt, buộc phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi âm nhạc. Tâm lý so sánh kiểu “con nhà người ta”, ép uổng con chỉ cần học giỏi các môn tự nhiên, không ủng hộ con nếu lỡ mê nghệ thuật... của các nhân vật trong vở diễn ít nhiều phản chiếu thực tế đang diễn ra ngoài kia.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ: “Một bộ phận không nhỏ người làm cha làm mẹ đã nghĩ thay con, ước mơ thay con, luôn tạo áp lực nên đã đẩy họ ngày càng xa con. “Nhìn con để sửa mình” là điều người lớn tự nhủ khi thực sự lắng nghe điều con trẻ muốn nói. Cách chữa lành những khủng hoảng, tổn thương của con trẻ và cả người lớn có lẽ chỉ có thể xuất phát từ sự cảm thông từ cả hai phía. Cha mẹ và con cái đều cần lắng nghe, cảm thông lẫn nhau. Tôi hy vọng Rồi tôi sẽ lớn góp một phần nhỏ giải mã tâm lý trẻ vị thành niên”.
NSƯT Ánh Tuyết, đạo diễn đã thành công với vở nhạc kịch Trại hoa vàng (HCV Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc năm 2021), lần này dàn dựng cho Rồi tôi sẽ lớn cũng tạo được một cách đi riêng khi nắm bắt gu thưởng thức “thời thượng” của lớp trẻ bằng âm nhạc và đời sống học đường. Vở nhạc kịch có sự tham gia của các nghệ sĩ: Hương Ly, Phi Long, Tôn Sơn, Thu Nga, Hương Thủy, Bá Thành, Hoàng Hiền, Quốc Trí, Trung Thạch… sẽ tiếp tục được Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phục vụ khán giả tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng như tại các trường học trong thời gian tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm