Thị trường hàng hóa
Từ sự kiện Festival văn hóa Việt Pháp do thành phố Huế phối hợp với tổ chức CODEV tổ chức năm 1992, ý tưởng về một Festival với một chuỗi những hoạt động văn hóa, lễ hội thật ấn tượng, đặc sắc gắn kết với nhau đã được thực hiện đúng vào năm chuẩn bị mở đầu thiên niên kỷ mới.
Thành công của Festival Huế 2000 đã tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo của các kỳ Festival Huế 2002, 2004 và 2006, từng bước khẳng định thương hiệu Festival Huế, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế, tạo tiền đề xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Trong nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố Festival mang tầm quốc gia và quốc tế đặc trưng của Việt Nam, Festival Huế 2024 tiếp tục khai thác các lễ hội trải dài trong năm như các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch định kỳ.
Qua 24 năm tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tựu nổi bật, từng bước khẳng định vị thế, củng cố thương hiệu Festival mang tầm quốc gia và có tính quốc tế, góp phần tạo động lực kích cầu du lịch, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival Huế góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, đóng góp vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Festival Huế 2024 được tổ chức theo định hướng bốn mùa, gồm: Lễ hội mùa Xuân - “Xuân Cố đô” (diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3) nổi bật là các hoạt động “Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống” và các lễ hội dân gian phong phú, độc đáo, thu hút đông đảo sự hưởng ứng, tham gia của du khách. Lễ hội mùa hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6) với điểm nhấn “Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024”. Lễ hội mùa thu - “Huế vào thu” (diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9) trọng tâm là chương trình Tết Trung thu với Hội đèn lồng Huế 2024, kết hợp hoạt động quảng diễn lân - sư - rồng đường phố, trưng bày, sắp đặt, rước đèn, trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống, giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa chơi Trung thu của người Việt. Lễ hội mùa đông - “Mùa đông xứ Huế” (từ tháng 10 đến tháng 12) điểm nhấn là “Tuần lễ âm nhạc Huế 2024” và kết thúc bằng chương trình “Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 - chào đón năm mới 2025”.
Trên nền tảng kế thừa thành quả các kỳ festival trước, điểm nhấn của Festival Huế 2024 là Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Tại Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 vừa qua đã có gần 30 đoàn nghệ thuật của 8 nước cùng tham gia trình diễn. Việc thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đến biểu diễn đã đưa Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 trở thành nơi giao lưu văn hóa đặc sắc của các vùng miền trong nước và cả quốc tế, qua đó các giá trị văn hóa, di sản Huế cũng được lan tỏa đến các vùng miền trong nước và quốc tế.
Đáng chú ý, Chương trình Khai mạc, Bế mạc Tuần lễ Festival Huế 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Điện Kiến Trung, mở màn cũng như kết thúc cho chuỗi hoạt động sôi nổi của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024. Chương trình nghệ thuật sẽ trở nên lung linh và tỏa sáng bởi sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trình chiếu Laser, Led Matrix, Hologram, 3D Mapping.
Tại họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2024, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định: Xác định ngoại giao văn hóa là trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã đồng hành cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, lễ hội ở cấp khu vực, quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu cho các địa phương, trong đó không thể không nói đến Festival Huế.
Thứ trưởng Ngoại giao cũng thông tin thêm, việc những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vừa được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới ngay trước thềm Tuần lễ Festival Huế 2024 đã nâng tổng số các di sản của Huế được UNESCO vinh danh lên 8 di sản. Đây là minh chứng khẳng định Thừa Thiên Huế xứng đáng là Cố đô, Thành phố di sản, cũng là động lực góp phần thúc đẩy tiềm năng thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho việc phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm