Thị trường hàng hóa
Cách thành phố Thanh Hóa chừng 100 km, theo Quốc lộ 217 ngược lên miền non cao, du khách sẽ gặp thác Muốn, còn gọi là thác Mơ kỳ thú và thơ mộng.
Thác Muốn nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, khởi đầu từ làng Muốn, xã Điền Quang (Bá Thước) rồi len lỏi qua cánh rừng già, thấp dần độ cao đem dòng nước mát lành tưới tốt cho ruộng dưới nương trên của làng Mười và các làng mường rồi hòa vào dòng Mã giang hùng vĩ, đổ ra biển rộng. Mường Khô và dòng thác Muốn có tự lâu đời và mãi còn nhắc nhớ trong mo “Đẻ đất đẻ nước”.
Ở Mường Khô, mỗi cánh rừng, ngọn núi, con suối, đồi cây... đều được người Mường thổi hồn mình vào đấy với những sự tích và huyền thoại làm xao xuyến tâm hồn.
Với thác Muốn cũng vậy, dòng thác gắn liền với câu chuyện tình cảm động mà tiếng thác tựa như một tiếng thở dài trước tình cảnh éo le của đôi trai tài gái sắc.
Đồi Muốn và tên thác Muốn mãi là ước vọng về tình yêu dang dở của người thiếu nữ xứ Mường Khô nhân hậu, thủy chung, đẹp người đẹp nết. Tiếng thác là khúc ca buồn, tựa như tiếng thở dài, tiếc nuối hạnh phúc của lứa đôi không thành mà dân gian bao đời nay truyền lại.
Để đến thác Muốn, du khách sẽ băng qua thung lũng hẹp, nhấp nhô đá núi, rừng cây, nước từ trong các khe núi đá hòa chung vào dòng chảy rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng, bậc liên hoàn chảy tràn trên mặt đá không khi nào ngơi nghỉ.
Cùng với 43 thác nước lớn nhỏ, thác Muốn còn có 3 hang động, đó là: hang Mộng, hang Bụt và hang Bến Bai. Trong hang có nhiều nhũ đá rủ xuống tựa như: Cây cột chống trời, đài sen, hình đôi nam nữ đang trao duyên trao tình, quả phật thủ, mâm xôi, hình con ngựa, cá sấu, chim công... muôn hình, muôn vẻ theo trí tưởng tượng của người đời đã thổi hồn cho từng thạch nhũ để những nhũ đá vô tri ấy bỗng nhiên trở nên hấp dẫn lạ kỳ và ánh lên sắc màu lung linh, huyền ảo.
Nước trong hang không sâu lắm, du khách có thể dễ dàng lội qua để tận thấy và thỏa thích ngắm nhìn các tuyệt tác đá do thiên nhiên tạo ra. Trong lòng hang và ẩn dưới từng kẽ đá nơi dòng thác chảy qua có rất nhiều cua đá và cá, tôm...
Trên Đồi Muốn và những cánh rừng đại ngàn ở Điền Quang vẫn còn rất nhiều loại cây gỗ quý như: Mài lái, kiêng, dổi, vàng tâm, lim, lát..., nhiều loài động vật quý hiếm như hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, khỉ, cày hương, sóc, nhím, chim muông các loại và các loại cây, thảo dược quý hiếm dùng làm thuốc chữa bệnh và gia vị chế biến món ăn.
Đến với Điền Quang - Mường Khô, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Muốn, thả hồn mình bay bổng theo truyền thuyết về tình yêu của đôi trai tài gái sắc mà còn được gặp gỡ, chuyện trò với người Mường nơi đây nhân hậu, rộng lòng mến khách, ở lại và sinh hoạt với người dân bản địa trong nếp nhà sàn truyền thống, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức rượu cần và văn hóa ẩm thực xứ Mường.
Trong cuộc khảo sát, làm việc gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, hợp điểm giao thông miền núi của tỉnh, trong đó ngã ba Đồng Tâm là nơi tiếp giáp quan trọng lên các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… với nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển.
Trên địa bàn huyện có một số tiểu vùng khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, trong đó Khu vực Son Bá Mười được ví như “Đà Lạt, Sa Pa của Thanh Hóa”; có Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến…
Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh, Bá Thước đóng vai trò là một điểm nhấn về sinh thái và văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường. Đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, sản xuất, có bản sắc văn hóa lâu đời, phong phú. Hiện nay, Bá Thước đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Đây chính là lợi thế lớn mà huyện cần phải khai thác và phát huy, biến thành nguồn lực cho sự phát triển. Bá Thước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm theo phương châm “tư duy mở, hoạt động nhanh, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước cần đánh giá, nhận thức đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, thay đổi tư duy, dựa vào các yếu tố nguồn lực con người, đất đai, truyền thống văn hóa, lịch sử, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hơn nữa để thực hiện bằng được nhiệm vụ phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý đối với lĩnh vực dịch vụ trọng tâm là du lịch, huyện cần phát huy vị trí kết nối các tuyến giao thông, đồng thời phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Son Bá Mười, cùng với các di tích, danh thắng khác trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử nâng cao chất lượng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Muốn vậy, huyện cần làm tốt công tác quy hoạch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên - yếu tố làm nên “sức hấp dẫn” của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cùng với đó là đa dạng các loại hình du lịch để du khách có thêm những trải nghiệm, khám phá mới; đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh... Nâng cao tính chuyên nghiệp, khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp dịch vụ du lịch với các đơn vị lữ hành...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm