Thị trường hàng hóa
Những ngày Đà lạt vào thu, đặc sản hồng treo gió cũng bắt đầu vào mùa mỗi năm một lần duy nhất. Món đặc sản này ngọt lịm này luôn làm nức lòng các thực khách tại rất nhiều tỉnh thành và đã trở thành một món quà tặng quý mà nhiều người lựa chọn mỗi khi tới đây.
Để làm ra những quả hồng treo gió ngon và chất lượng phải tốn rất nhiều công sức và trải qua nhiều công đoạn, quy trình tỉ mỉ, chỉ cần sơ sẩy một ít sẽ có thể làm hỏng cả mẻ hồng. Sau khoảng 8 tuần kể từ khi treo lên và hong gió, hồng sẽ bắt đầu được hạ giàn và thu hoạch.
Chị Phan Thị Dung, một chủ cửa hàng sản xuất và phân phối hồng treo gió tại Đà Lạt chia sẻ: “Tôi còn nhớ trước đây, vùng quê nghèo của mình người nông dân và cả các dì tôi phải đổ ra đường bán cho du khách, một kg chừng 2.000 đồng chỉ để bù công hái, hồng chín mộng ngon lành đôi khi vươn vãi héo úng khắp vườn”.
“Khoảng năm 2012, những nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến và hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên không dùng than đá, than củi, và kể từ đó niềm hy vọng bắt đầu”, chị Dung nói.
Cách làm hồng treo gió truyền thống phải mất khoảng 30 ngày, nếu gặp mưa có thể đến 40 - 45 ngày, bù lại trái hồng sẽ rất mềm và khi gỡ xuống bên ngoài mềm mại, bên trong đượm mật, mùi thơm quyến rũ ăn vào không có vị chát. Đặc biệt dù để ngăn đông quả hồng không bị đông đá, mà hồng treo truyền thống nó vẫn sẽ mềm mại, ăn vào mát lạnh, chị Dung chia sẻ.
Trung bình cứ khoảng 7-8kg hồng tươi sẽ cho ra khoảng 1kg hồng treo gió thành phẩm. Với cách làm công phu tạo nên hương vị ngọt và mùi thơm gấp nhiều lần so với hồng tươi thông thường nên giá thành của hồng treo gió rất “chát”, trung bình dao động từ 300 – 500.000đ/kg.
Bán hồng treo gió, đặc sản Đà Lạt đã 3 năm nay, chị Nguyễn Phương Thảo (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tại nhà vườn báo hồng năm nay mất mùa, sản lượng giảm 50% so với năm ngoái, đồng nghĩa với việc giá thành sẽ cao hơn mọi năm, tuy nhiên hàng về vẫn không đủ để trả cho khách”.
Theo chị Thảo, sau 3 năm bán hồng treo gió cho thấy loại đặc sản này rất hút khách, số lượng về bao nhiêu cũng là không đủ. Hồng treo gió Đà Lạt khác so với các loại hồng treo gió nhập khẩu, hồng sấy vì những trái hồng đều được tuyển chọn kỹ càng, đặc biệt là giữ đúng hương vị nguyên bản và vị ngọt tự nhiên nhất.
“Có ngày về được khoảng 50kg hồng treo gió nhưng đều bán hết, đặc biệt được hút chân không và đóng hộp giấy được rất nhiều người lựa chọn đi biếu tặng. Năm nay, tôi phải hạn chế bỏ sỉ để tránh cạnh tranh về giá, số lượng cũng ko có nhiều nên lựa chọn ưu tiên bán lẻ nhiều hơn”, chị Thảo nói.
Chị Trần Thị Huyền Trang, một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã ăn nhiều loại hồng như hồng sấy, hồng nhập Trung Quốc nhưng vẫn thích nhất vị hồng treo gió Đà Lạt. Trái hồng mềm và ngọt tan trong miệng, giữ nguyên vị ngọt thanh của hồng, vừa có độ dẻo và mật hồng giữ lại nhiều. Đặc biệt có loại hồng treo gió Kem mềm dẻo, tuy đắt nhưng ăn rất đáng tiền”.
Với phương pháp chế biến đặc biệt và độ thơm ngon, hồng treo gió đang được xem là một trong những đặc sản ngon nhất của Đà Lạt. Đặc sản này ngày càng thu hút được sự yêu thích của thực khách khi đến du lịch tại tỉnh thành này.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm