Thị trường hàng hóa
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham có số lượng hiện vật lớn, đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình và nguồn gốc. Tại thời điểm khai trương, bảo tàng đã “sở hữu” hơn 1.000 hiện vật, và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung.
Những hiện vật tại bảo tàng do bà Cecile Le Phạm (Việt kiều Pháp) nghiên cứu, sưu tầm trong gần 30 năm qua. Bộ sưu tập đồ sộ này là kết tinh của đam mê của bà dành cho di sản văn hóa Việt Nam và khát khao khám phá văn hóa, mỹ thuật thế giới.
Trong dịp khai trương và mở cửa đón khách tham quan, bảo tàng đã giới thiệu đến công chúng hàng trăm hiện vật, tác phẩm quý theo các chuyên đề. Tại không gian tầng 1 trưng bày chuyên đề về bộ sưu tập Vật dụng trang trí của Việt Nam, Nhật Bản, Pháp. Qua đó, giới thiệu hơn 70 hiện vật thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, Nhật Bản và Pháp được chế tác vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với loại hình chủ yếu là đồ trang trí, đồ thờ bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, giấy, vải, gốm sứ, pháp lam… với kỹ thuật chế tác thủ công tinh xảo, có nhiều giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đặc sắc.
Chuyên đề Mỹ thuật Phật giáo Á Đông- những tiếp cận đa chiều, được trưng bày ở tầng 2 của bảo tàng, và là điểm nhấn cho đợt mở cửa đón khách lần này. Chuyên đề đã giới thiệu hơn 30 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng Phật và một số tư liệu Hán Nôm thời Nguyễn, nhằm phác họa bức tranh lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á và cả sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hoá khác nhau từ Đông sang Tây. Các hiện vật cũng phản ánh vị trí đặc biệt của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân xứ Huế.
Bà Cecile Le Phạm chia sẻ rằng: Tôi rất hạnh phúc mang được nhiều hiện vật quý về với Huế. Tôi muốn thành lập bảo tàng của mình tại Huế vì đây là thành phố có chiều sâu của nền văn hóa xưa, chứa đựng nhiều di sản tiêu biểu của triều Nguyễn. Đồng thời, cũng là cơ hội để những người trẻ, các học sinh- sinh viên không cần phải đi xa mà cũng có thể chiêm ngưỡng những hiện vật được sưu tầm từ nhiều nơi trên thế giới ngay tại Huế. Từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê, trân trọng trong các em với di sản văn hóa, nhất là văn hóa Huế.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cho biết: Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham rất độc đáo và hấp dẫn, được bà Cecile Le Pham kiên trì sưu tập trong một khoảng thời gian dài, trên một không gian rộng từ gần 40 quốc gia thuộc 4 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ), nên có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật.
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Phạm được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép hoạt động theo quyết định số 1578/QĐ-UBND. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 5 tại Thừa Thiên Huế, và là bảo tàng mỹ thuật tổng hợp ngoài công lập đầu tiên tại tỉnh này.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm