Thị trường hàng hóa
Ba bảo vật quốc gia gồm: Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại năm Mậu Tý (1648) hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình; Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại năm Kỷ Tỵ (1449) được thờ tại chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ; Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, niên đại cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên) lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn.
Bia đá chùa Tĩnh Lự gồm bốn phần: Đế, tấm bia khắc minh văn, bức phù điêu chạm hoạt cảnh và mái che. Theo Hồ sơ di sản, Tĩnh Lự là ngôi chùa đầu tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Việt sử lược chép năm 1055 cho thấy, "Xây chùa Đông Lâm và Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu". Năm 1645 thời vua Lê Chân Tông, chúa Trịnh Tráng giao Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc trùng tu kiến thiết chùa Tĩnh Lự. Năm 1648, công việc hoàn thành, Trịnh Tráng cho dựng bia để ghi chép việc trùng tu.
Minh văn mặt trước nêu về việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, công đức của Đại Nguyên soái Thống quốc chính Trịnh Tráng. Mặt sau ghi tên những nhân vật quyên góp tiền của, hiện vật xây chùa như Thái Thượng hoàng Lê Duy Kỳ, chúa Trịnh Tráng, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc... Hai bức phù điêu được chạm nổi với kỹ thuật cao, các đồ án, hình tượng được chạm khắc dày đặc trên bề mặt tấm đá.
Tượng Quan Thế Âm được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, đầu đội mũ thiên quan, khoác áo thiên y, anh lạc đeo trước ngực hình hoa mai chín cánh. Tượng từng được chỉnh sửa, gắn chắp một số chỗ bị vỡ, nứt ở: bàn tay phải, phần mũi, cổ và tai phải.
Theo giới chuyên gia, đây là tượng Quan Âm duy nhất khắc minh văn trên cả thân và bệ tượng. Minh văn gồm 67 chữ, cung cấp thông tin về niên đại tạo tác, địa chỉ, những người công đức. Lưng tượng khắc 39 chữ Hán với nội dung "Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua thứ 3 nhà Lê".
Đây cũng là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng. Bệ tượng có tạo hình đặc biệt là đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội lấy đài sen. Nội dung kể về việc Quan Âm vượt biển nhìn xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành. Bà đã ra tay cứu vớt chúng sinh và thuần phục đám thủy.
Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn cao 39 cm, đường kính miệng 33 cm, nặng 5,4 kg. Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thạp được công nhận bảo vật quốc gia vì là hiện vật gốc, độc bản, hoa văn sắc nét, độc đáo, được bố cục cân đối, hài hòa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
Thạp có nắp nhưng đã bị thất lạc, chỉ còn phần thân. Toàn bộ hiện vật phủ lớp patin hơi xanh gỉ đồng ngả vàng. Thạp có băng hoa văn ở giữa thân, trang trí 14 con thú trong tư thế đuổi nhau, ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài. Đôi quai kép hình mui thuyền gắn nằm ngang, khác với quai dọc thân như các thạp khác. Ngoài ra có băng hoa văn vòng tròn đồng tâm, hồi văn chữ S, trám lồng (hình thoi).
Thạp này lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn, được ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc bảo tàng nhận chuyển nhượng lại từ nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Trần Quốc Bình ngày 30/12/2021.
Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chính thức mở cửa đón khách thăm quan và vừa tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thạp đồng văn hóa Đông Sơn là bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được thành lập theo Quyết định số 2019/QĐ- của UBND tỉnh Bắc Ninh, có địa chỉ tại phường Đình Bảng TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhằm phục vụ nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và thế giới; tổ chức trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập, tài liệu có giá trị tiêu biểu trong và ngoài nước phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân.
Bảo tàng đang sở hữu và lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập gốm Việt Nam qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn... ; bộ sưu tập đồ sứ (bát, đĩa, ấm chén, khay đựng đồ, chum, thống)... ; bộ sưu tập đồ dùng của các gia đình vua chúa, quan lại, địa chủ thời phong kiến của Việt Nam; bộ sưu tập được chế tác từ ngà voi; bộ sưu tập đồng hồ được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX có xuất xứ từ Pháp, Đức…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – bà Nguyễn Hương Giang – cho biết, với việc công nhận thêm 3 hiện vật là bảo vật quốc gia trong đợt này đã nâng tổng số hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh lên 17 hiện vật, nhóm hiện vật.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm