Thị trường hàng hóa
Theo đó, 3 lễ hội truyền thống của tỉnh Thanh Hoá được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Mường Khô (thuộc các xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng, huyện Bá Thước), Lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) và Lễ hội Sết Boóc Mạy (xã Cán Khê, huyện Như Thanh).
Đây sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa nói chung, các huyện Bá Thước, Như Thanh và Thường Xuân nói riêng tiếp tục đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các địa phương, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.
Lễ hội Mường Khô được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm
Lễ hội Mường Khô được người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các xã lân cận của huyện Bá Thước tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhằm tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng và các hoạt động văn hóa-thể thao nhằm thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia như đánh mẳng, tung còn, chọi gà...
Đặc biệt, hình ảnh hàng trăm cô gái dân tộc Mường mặc trang phục truyền thống xếp thành hàng trang nghiêm mang theo hàng trăm chiếc cồng chiêng xướng lên những âm thanh vang vọng núi rừng đã tạo nên nét độc đáo, bản sắc, hấp dẫn của Lễ hội Mường Khô.
Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) diễn ra vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm.
Lễ hội là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.
Lễ hội gồm hai phần: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian như đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.
Lễ hội Nàng Han ngoài giá trị văn hóa, lịch sử còn mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa của địa phương.
Còn Lễ hội Sết Boóc Mạy là loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần, tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập Mó đến nay, thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau.
Lễ hội được tổ chức thường niên vào mùng 10 tháng Giêng với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Qua đó xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, tạo nên sức mạnh để cộng đồng người Thái và Nhân dân thôn Mó 1, xã Cán Khê thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm